BIÊN DỊCH II: TRIẾT HỌC BỎ TÚI


 Triết Học Bỏ Túi  

Tác giả: Wilhelm Vossenkuhl

Tôn Văn, trích dịch từ nguyên bản tiếng Đức
 (09:03, 2010-06-19) 

Lời người dịch:
Cuốn „Triết học bỏ túi“ (Philosophie für die Westentasche) là cuốn sách của Giáo Sư Triết Wilhelm Vossenkuhl (sinh năm 1945) tại các trường Đại học Tổng hợp Bayreuth và München. Sách khổ nhỏ, được viết giản đơn cho sinh viên hoặc những người mới tìm hiểu. Với nội dung như thế, cuốn sách đã thu hút người đọc bởi sự trình bày ngắn và dễ hiểu và là lý do chúng tôi đã cố công tìm cách dịch qua tiếng Việt một số phần tùy thuộc hứng thú và khả năng chuyển tải. (Một phần cũng đã được talawas cho công bố; Sau đây là „Lời nói đầu“ và phần 3 trong 7 phần của cuốn sách)
Triết học, như diễn giải trong phần kế tiếp, là công cụ tốt cho tư duy như bước đầu của mọi cuộc thảo luận. Chúng tôi hy vọng những thông tin ít ỏi này giúp ích ít nhiều cho những trao đổi sôi nổi về nhiều vấn đề trên diễn đàn đó đây hoặc chí ít cũng đem lại chút thư giãn khi nhàn tản. Rất mong được sự góp ý của quý vị quan tâm. 

München, Mùa World Cup 2010
Tôn Văn 


Lời nói đầu 

Mục tiêu của tập sách nhỏ này là dẫn dắt những bạn đọc nữ và nam trong việc tự suy tư về những vấn đề đặt ra trong chính cuộc sống của mình. Có lẽ cũng là điều hợp lý khi dùng công cụ triết học để tiếp cận vấn đề. Triết học từ trước đến nay luôn cho ta phần lớn những lời giải đáp, kể cả những lời giải đáp quan trọng nhất, cho những vấn đề mà cuộc sống con người đặt ra. Những đáp án có được trong tiến trình lịch sử cho mỗi vấn đề có thể nói là đa dạng và không hiếm khi mâu thuẫn với nhau. Những đáp án đó, khi chúng hàm chứa ý nghĩa hiểu được, không phải là những phát kiến; chúng chỉ làm rõ những điều mà nhiều người đã ý thức hoặc hiểu được mà chưa có thể nói ra. Cho nên tập sách này, với việc luận giải một số vấn đề theo cách thức triết luận, chỉ nhằm mục đích vạch ra cung cách tư duy độc lập.
Đây không phải tài liệu nhập môn cho chuyên ngành triết học cho nên không nêu ra những từ chủ chuyên ngành, những cụm vấn đề rộng lớn và những tên tuổi các tác giả và thời đại triết học. Nhưng cũng không thể không nói ra tinh thần trân trọng đối với nhiều mô thức tư duy đã thành hình từng bước từ các cội nguồn triết học cũ mới mà người viết coi như máu thịt của mình và đã trở thành vốn liếng cá nhân. Những mô thức tư duy nào không thể tách rời khỏi tên tuổi danh nhân thì sẽ được nêu ra đầy đủ.
Chẳng ai cho rằng chỉ các nhà toán học mới biết làm tính; cho nên cũng không thể giả định rằng chỉ những triết gia mới biết tư duy. Khi muốn trình bày công việc tự chủ tư duy, tôi không giả định rằng các bạn đọc nữ và nam không có khả năng tự mình suy nghĩ. Trái lại, sẽ là điều vô nghĩa khi muốn nói về cách thức tư duy mà không dựa vào tiền đề là khả năng tự tư duy của bạn đọc. Tôi muốn dẫn đưa các bạn qua một tấm địa đồ chứa đầy những câu hỏi về địa danh và thổ tính mà đến nay có lẽ chưa được chú ý đến hoặc giá trị chưa được coi trọng như chúng vốn có. Ý tưởng cho việc này hình thành khi chuẩn bị chương trình về triết học phát trên đài BR-Alpha của đài truyền hình Ba-va-ria.
Khi ta thử tập rèn một điều mà ta cho là quan trọng để cuối cùng có thể tự mình thao tác thành thạo, ta sẽ có được niềm vui. Tự chủ tư duy không khác gì việc chơi ten-nít hay đá bóng; trong những hoạt động như vậy, niềm vui đi kèm với công việc ta làm, cả khi nó chỉ diễn ra trong phạm vi não bộ. Có cả gan chăng, khi chúc cho bạn đọc và chính bản thân tôi có được niềm vui khi đọc cuốn sách này và say mê tư duy độc lập. 

Mu-ních, tháng Sáu 2004
Wilhelm Vossenkuhl

Tri Giác 

Ngôn ngữ và ý nghĩa
Trong club London, ba quý ông người Anh đàm luận về vấn đề cái gì là thứ đáng để dân Anh quốc tự hào nhất. „Chắc là vương thổ của chúng ta“ - một người nghĩ thế; „Là hạm đội của chúng ta chăng?“ - một người khác nêu câu hỏi vì thấy rõ rằng nếu không có những hạm đội hùng mạnh thì đã không có một vuơng thổ mênh mông không bao giờ tắt ánh mặt trời. Nhưng người thứ ba thì không hoàn toàn đồng ý, ông ta đề xuất: „Ðó là tiếng Anh của chúng ta“. Rồi ông giải thích cho cả cả đám bạn bè đang xúm lại, lý do tại sao mình nói thế: „Tôi lấy một thí dụ cho các bạn thấy. Những người Italia gọi cái thìa là ‚cucchiaio’, những người Ðức gọi nó là ‚Löffel’, còn chúng ta thì gọi nó là ‚spoon – cái thìa’ và như thế mới chính xác là tên gọi của nó“. Sự chính xác của tiếng Anh, quý ông đó nghĩ, là thành tựu lớn nhất mà người Anh có thể tự hào.
Tất nhiên tiếng Anh không chính xác hơn tiếng Italia hay tiếng Ðức. Vấn đề trước tiên là cái sự ‚chính xác’ của một ngôn ngữ nói chung nghĩa là thế nào? Kết cục thì ta không bao giờ xài hết trọn một ngôn ngữ nào mà luôn luôn chỉ là những từ và những câu. Các từ riêng rẽ hoặc chỉ riêng các câu thôi có thể được gọi là chính xác được không? Và rồi ‚chính xác’ là nghĩa thế nào? Các từ riêng rẽ như „cái thìa“ hay „mầu xanh“ là các tên gọi các đối tượng hoặc đặc điểm của các đối tượng. Không phải tất cả các từ đều là tên gọi. Các chữ như „và“, „hay là“, „cụ thể là“ v.v. không phải là tên gọi gắn với các đối tượng hay các đặc điểm nào; nhưng chúng ta cần có chúng trong các câu nói. Các tên gọi có một chức năng bổ giáo đặc biệt. Chúng ta làm quen các đồ vật và các đặc điểm của chúng qua các tên gọi mỗi thứ rồi nhận biết và phân biệt chúng qua các tên gọi.
Tất cả những tên gọi này đều không chính xác theo cái nghĩa là chúng không chỉ thị cho một thứ đồ hoặc một đặc điểm riêng rẽ nào mà luôn chỉ cho một chủng loại giống nhau. Chúng không chính xác vì tính chất phổ thông ấy. Nhưng mặt khác thì chúng lại khá chính xác khi xét theo nghĩa tuyển chọn. Chúng bao tóm hết các thứ cùng loại và phân giới chúng với những thứ khác. Do thế ta có thể đếm số các đồ vật và các đặc điểm cùng loại với nhau và xác định số lượng của chúng.
Nghĩa là các tên gọi quan hệ ít nhiều chính xác với các nhân vật hay các đồ vật và đặc điểm của cùng một loại. Ý nghĩa của một tên gọi có thể là một người, một vật, một đặc điểm hay một kiểu tự nhiên nào đó. Ngay cả khi ý nghĩa của một tên gọi đã rõ ràng thì nó cũng không nói lên chính xác đến điều gì dính dáng đến nó. Ðiều đó phụ thuộc nhiều vào mối quan hệ trong đó nó được đem dùng. Khi ai đó chỉ nói đơn giản các từ như Oskar, Thìa, muối, đẹp,... thì người nghe sẽ tự hỏi rằng anh ta muốn nói gì vậy. Tất nhiên ta có thể dùng từng tên riêng rẽ để trả lời những câu hỏi. Khi có người nghe câu hỏi „đó là ai?“ mà trả lời bằng chữ „Oskar“ thì người nghe cũng hiểu được ý nghĩa của nó. Nhưng cũng chính trong trường hợp như vậy, cái tên riêng rẽ kia cũng đã được đặt trong một câu, tức là câu „Ðó là Oskar“. Chỉ trong những câu tỷ như “đó là Oskar“ hay „Oskar có muối“ thì cái tên như Oskar mới thể hiện chút ít sự chính xác.
Yếu tố hàm chứa ý nghĩa quan trọng nhất là các câu trong ngôn ngữ của chúng ta. Ta có thể nhận thấy tầm quan trọng của các câu qua hai đặc điểm. Chỉ có những câu ta hiểu được nó và có thể dùng để thông tin với những người khác mới có một ý nghĩa nào đó; Và cũng chỉ có những câu hoặc đúng hoặc sai mới có ý nghĩa mà thôi. Các tên gọi chỉ nói cho ta biết chúng biểu thị cái gì, nhưng ta không thể dùng chúng để trao đổi thông tin với những người khác. Ngoài ra với chức năng là tên gọi, chúng không sai mà cũng chẳng đúng; chỉ có điều chúng được người ta dùng đúng hay sai mà thôi. Nhưng ta cũng chỉ có thể phán quyết việc dùng đúng hay sai đó khi chúng đứng trong các câu cụ thể, bởi chỉ khi đó ta mới biết chúng được hiểu với ý nghĩa thế nào. Như vậy, các câu nói chính là cái làm cho tiếng nói (ngôn ngữ) trở thành phương tiện của truyền thông và của sự hiểu biết về thế giới.

Nghĩa lý và chân lý
Một đặc điểm của sự hiểu biết của chúng ta về các câu nói là nó có vẻ như một sự đương nhiên, nhưng đặc điểm này cũng cần được đánh giá một cách đúng mức. Cụ thể là ta không chỉ hiểu những câu đúng mà hiểu cả những câu sai. Như thế ta sẽ không lầm lẫn và không ai có thể dối lừa ta. Sự lạ kỳ đáng lưu tâm ở đây là „nghĩa lý“ không phải là „chân lý“ mặc dù nghĩa lý một câu nói – nói theo nhà triết học Wittgenstein – chính là nội dung câu nói khi nó là một câu nói thực. Như vậy một mặt có mối liên quan chặt chẽ giữa nghĩa lý và chân lý, nhưng mặt khác cũng có sự độc lập nhất định giữa chúng. Khi ý nghĩa một câu là sự diễn đạt nội dung nó cần nói thì nó cũng nói lên chân lý. Nhưng khi ngôn từ không nói nội dung của hoàn cảnh tồn tại của nó thì có phải tự nhiên nó chẳng liên quan gì với chân lý hay không? Cái đáng lưu tâm của quan hệ giữa nghĩa lý và chân lý có thể được diễn đạt như sau: Khi các câu được dùng để miêu tả sự thực thì ý nghĩa của nó không chỉ tuân thuộc về chân lý mà trong một mức độ nào đó nó đồng nhất với chân lý. Nhưng nếu chân lý và nghĩa lý đồng nhất một cách giản đơn với nhau thì ta chỉ có thể hiểu các câu khi chúng nói lên sự thực. Nhưng ta cũng có thể hiểu được các câu nói khi chúng nói sai sự thực. Chân lý và nghĩa lý một câu nói chỉ đồng nhất khi nội dung của câu nói đúng sự thật. Như vậy thì trong câu „tuyết trắng“, phần thêm „đó là sự thật“ không làm đổi thay ý nghĩa của nó. Nhưng khi nội dung câu nói không đúng với sự thật, thì lúc đó nghĩa lý và chân lý không đồng nhất với nhau. Một khi trời không mưa thì câu nói „trời mưa“ đúng là sai; nhưng lúc này ta vẫn hiểu được câu nói đó. Việc nghĩa lý và chân lý có thể có lúc không đồng nhất với nhau là do chân lý thì phụ thuộc vào thực thể sự vật còn nghĩa lý câu nói thì không.
Tất cả chúng ta đều biết câu hỏi của Pilatus: „Chân lý là gì?“, và cũng đã có nhiều triết gia quan tâm đến nó. Tương ứng với điều đó là việc tồn tại nhiều triết lý về chân lý, nhưng tất cả đều giống nhau ở chỗ không dựa vào chúng thì ai cũng hiểu chân lý là gì. Hình như mọi người đều hiểu được bản lai chân lý cả chứ chẳng riêng gì những người nói chung một thứ ngôn ngữ nào. Nhưng dù sao thì nghi ngờ điều này cũng là điều vô lý và bất công. Khi có nhiều lý thuyết khác nhau về chân lý và mỗi lý thuyết đều được dùng làm cơ sở để hiểu chân lý thì có thề đưa ra nhận xét rằng các lý thuyết này sẽ cho ta những kết luận rất khác biệt nhau. Nhưng thực sự thì mỗi lý thuyết đều muốn tỏ ra mình chắc chắn hơn những lý thuyết khác trong việc nhận thức tổng quát về chân lý. Nói chung thì như vậy có ý nghĩa gì không?
Theo những cách thức nhìn nhận nhất định thì có ý nghĩa đấy. Phong trào đua tranh của các lý thuyết gia có ý nghĩa ở chỗ mỗi người làm sáng rõ được các phương diện khác nhau của chân lý. Các lý thuyết sống được bằng việc định nghĩa các danh từ, tức là việc xác định khái niệm. Một lý thuyết phải phù hợp với sự thực và điều đó có nghĩa là những khái niệm mà nó xác định có thể kiểm tra được và hợp lý. Thí dụ chân lý có thể được định nghĩa như là nội dung của câu nói „Tuyết mầu trắng“ cũng phù hợp với thực tế là tuyết có mầu trắng. Nhưng điều đó không đủ cho một lý thuyết tồn tại. Trong một lý thuyết về chân lý thì mỗi sự tương hợp của một câu nói với sự thực tồn tại phải kiểm tra được. Như vậy về phía mình, nó phải hợp lý. Vậy thì đến đây, sự hợp lý có phải là một khái niệm nữa của chân lý không, hay nó chỉ là một tiêu chuẩn để cho một định nghĩa nào đó được dùng đúng đắn? Nhưng mà nếu sự hợp lý là một chuẩn mực để kiểm tra sự xác thực của câu nói thì như vậy sự hợp lý và tính xác thực liên quan với nhau như thế nào?
Một số người cho rằng mối quan hệ chỉ có thể được xác lập bởi một tổng thể ngôn ngữ. Ðiều này có thể diễn giải ra rất nhiều điều. Thực ra sự thống nhất của một câu nói với thực tế tồn tại không phải là một quan hệ khô cứng. Ví như người ta có thể diễn đạt cái thực tế Oskar hiện đang có mặt với những câu nói hoàn toàn khác biệt nhau. Vì các thực tế tồn tại có thể được diễn tả rất đa dạng nên trong một lý thuyết về chân lý chắc chắn ta cần có nhiều điều kiện khác nữa ngoài sự đồng nhất của một câu nói với thực tế tồn tại. Do vậy điều này cũng đã trở nên sáng tỏ vì rõ ràng ta cũng cần có những câu nói khác để biện giải sự đồng nhất một câu nói với thực tế. Thế là đã gần như có thể xác định rằng tiền đề cho một lý thuyết về chân lý là toàn bộ một ngôn ngữ. Vậy phải chăng trong mỗi ngôn ngữ ta đều cần một lý thuyết riêng về chân lý?
Dần dà, trong quá trình mở rộng những điều kiện cho một lý thuyết về chân lý, cái định nghĩa chân lý là sự đồng nhất của ngôn từ với thực tế tồn tại đã bị mở rộng quá mức. Tức là nếu phải dùng toàn bộ một ngôn ngữ để hoàn chỉnh tính xác thực mỗi câu nói riêng rẽ của ngôn ngữ đó thì tính xác thực đó phải được xây dựng trên sự đồng nhất tất cả những câu nói đúng của ngôn ngữ này với tất cả những tồn tại thực tế (thực tồn), tức là với toàn bộ hiện thực. Nhưng rồi đến đó thì ta không thể kiểm tra sự đồng nhất này được nữa. Ta chỉ có thể hiểu sâu tính xác thực của mỗi câu nói riêng rẽ mà không thể hiểu tính xác thực tất cả các câu của một ngôn ngữ.
Vấn đề vẫn còn được bỏ ngỏ và càng ngày càng thấy khó trả lời hơn khi tiếp tục phát triển một lý thuyết về chân lý. Ta sẽ chẳng biết gì thêm về chân lý ngoài những điều ta đã biết. Nhưng ta lại thấy rõ rằng không thể dùng các phương tiện của một lý thuyết để thâu tóm lại tất cả những tiền đề cho cái chân lý mà ta đã biết được. Thế là ta trở về bám giữ cái chân lý mà ta biết và đã được hiểu bằng những câu nói dùng trong ngôn ngữ của chúng ta. Và cái chân lý này chắc chắn phụ thuộc hoàn toàn vào những thực tồn mà những câu nói của chúng ta biểu thị ra, phụ thuộc vào ý nguyện ta mong hiểu được chúng. Và ý nguyện này ta đã cho nó cái tên là „tính chất chân thực“.

Hành ngôn (Hành động mang nội dung ngôn ngữ)
Tiếng nói là một dạng thức của hành động, ta gọi là hành ngôn. Ta hiểu rõ cái ý của Oskar khi anh ta nói với cô bạn gái: „gió hút“. Có thể anh ta muốn khép cửa ra vào hay cửa sổ lại. Hành ngôn của anh ta một mặt là một sự khẳng định, mặt khác lại là một yêu cầu. Nhưng tối thiểu ta cũng hiểu Emma khi cô đưa ra lời phản đối: „Anh có thể tự làm lấy được không?“ Cô hỏi lại Oskar và cũng muốn nói rằng cô không muốn đáp lại đòi hỏi của anh. Trong cả hai trường hợp ta đều có thể không hiểu Oskar và Emma nói gì nếu ta không ý thức được rằng có nhiều nội dung ẩn chứa trong những câu nói của họ hơn là ý nghĩa được hiểu trong hình thức văn phạm của chúng. Cái yêu cầu ẩn chứa trong lời khẳng định và việc dùng câu hỏi làm lời từ chối là những kiểu hành ngôn. Nó đi theo cái nguyên mẫu là làm một việc gì để đạt một điều gì khác. Như vậy trong những hoàn cảnh cụ thể, lời xác nhận chính là sự yêu cầu hay đòi hỏi và câu hỏi là một sự chối từ, thậm chí là biểu thị sự bất bình đối với một yêu sách.
Có một lý thuyết của hành ngôn mô tả khá chính xác mối liên quan của những hành động nào đó với những nội dung ngôn ngữ. Khi Oskar nói điều gì đó ra lời, anh ta đã ngĩ đến những điều khác trong chính những lời nói đó. Với lời khẳng định trần trụi và có vẻ như ngớ ngẩn, anh ta có thể yêu cầu, hứa hẹn hay từ chối một điều gì đó. Bên cạnh hình thức ngữ pháp của chúng, những hành ngôn có một sức mạnh nhất định tàng chứa trong hình thức, tùy theo hoàn cảnh hiện hữu của người nói và người nghe. Sức mạnh đó đuợc gọi là lực „illokution“. Tên gọi đáng nhớ này có gốc từ chữ latin „in locutione“ nghĩa là „hàm ngôn“ – (ý nghĩa hàm chứa trong lời nói). Như vậy „hàm ngôn“ được dùng để biểu thị ý nghĩa đặc biệt của hành động gắn liền với một sự biểu thị ngôn ngữ.
Nhưng ngôn lực không phải là thứ duy nhất có vai trò trong hành động ngôn ngữ. Hãy tưởng tượng thế này: Oskar cùng bạn gái Emma đang chạy trượt Pe-tanh. Khi Oskar nói với cô ta: „Lớp băng phía trước kia rất mỏng“, thì nghĩa là anh ta muốn cảnh báo cô bạn. Như vậy anh ta không chỉ thực hiện một hành động mà thông qua hành động đó anh ta cũng đạt được điều mình muốn làm. Cái sức mạnh biểu thị này được gọi là „biểu ngôn - biểu thị bằng lời“, nó tương đương với ý nghĩa của chữ Latin „per locutionem“. Thông qua một sự biểu hiện, mà theo dạng thức ngữ pháp của nó có thể hiểu là một sự khẳng định, tùy thuộc từng hiện trạng, ta có thể cảnh báo, xúc phạm một ai đó, nhưng cũng có thể là sự khen ngợi hay khiển trách đối với họ. Nói chung thì không cứ vào sự đúng sai của điều được nói ra. Khả năng hàm ngôn hay biểu ngôn tự nó không phụ thuộc vào tính đúng đắn của sự thể hiện (biểu hành) và như thế nó cũng có tác động ngay cả khi sự thể hiện là sai lạc. Cái lớp băng mà Oskar nói đến không nhất thiết cứ phải là lớp băng mỏng. Sự cảnh báo cũng gây được tác dụng bằng một sự khẳng định không đúng.
Tuy nhiên, với việc hành động thông qua những từ ngữ trần trụi thì chưa phải là ta đã đi đến tận cùng tất cả các khả năng. Giả định rằng đã đến lúc anh chàng Oskar không còn hứng thú trượt băng tiếp nữa, nhưng không muốn thừa nhận điều này với cô bạn Emma. Có thể anh ta sẽ nói với cô rằng: „Hình như chân phải anh bị chuột rút“. Ðiều anh ta nghĩ chỉ giản đơn là không còn hứng nữa và muốn nghỉ tập, nhưng anh ta không đủ tự tin để công khai thừa nhận. Với sự biểu lộ của mình, anh ta chỉ gián tiếp đạt tới cái điều mình mong muốn. Emma không thể biết được cái ý định thực sự của bạn trai thông qua lời nói của anh ta, nhưng cũng đáp ứng đúng cái điều anh ta mong muốn. Có lẽ cô sẽ lo lắng nói: „Thế thì mình về nhà thôi, anh“. Bằng những kiểu hành ngôn gián tiếp chúng ta có thể đạt tới tất cả các mục đích mong muốn mà không phải lộ ra những căn nguyên sâu kín trong lòng. Những kiểu hành ngôn như vậy có thể chứa đựng những mưu ngầm và những ý đồ đê tiện, nhưng cũng có thể là những xu nịnh hay những phẩm bình tinh tế.
Như vậy, những điều hàm chứa trong những biểu lộ của chúng ta không phải lúc nào cũng được phơi bày ra. Những gì ta biểu lộ có thể nói rõ ý định của mình, nhưng đồng thời cũng có thể che đậy chúng. Hành ngôn có thể được thể hiện công khai hay che đậy thông qua những biểu lộ bằng cách thực hiện một việc gì đó. Những khả năng như thế (lộ phát hay che đậy, người dịch chú) ta không đạt được thông qua những hành xử không thông qua ngôn ngữ. Thí dụ như vẻ mặt hay động thái cơ thể của chúng ta cũng có khả năng hàm chứa một ý nghĩa riêng thầm kín và cũng thường được dùng để che đậy hay nhấn mạnh những ý định nào đó. Nhưng không thể xử dụng những hành động không dùng ngôn ngữ (phi ngôn hành?) để làm ngược lại điều mà người khác nhận ra được qua dáng vẻ bên ngoài. Nếu không có được khả năng hành xử bằng công cụ ngôn ngữ thì phạm vi hoạt động của con người và, theo đó, khả năng thông tin của chúng ta với những người khác bị hạn chế đi rất nhiều. Ðiều tương tự cũng xảy ra nếu chúng ta thông qua những phát biểu của mình chỉ có thể nói lên được những điều gói gọn trong hình thức ngữ pháp và ý nghĩa của từng từ. Lúc đó sự truyền thông của chúng ta sẽ nghèo nàn và đơn điệu, không có được bề sâu tâm tưởng, không có được những tinh tế và sự cuốn hút mà truyền thông mang lại cho con người chúng ta. Nhưng có lẽ như thế thì nó cũng ít gây ra hiểu lầm, sẽ rõ nghĩa hơn và ít bị lợi dụng hơn. Sự nhàm chán chính sẽ là cái giá phải trả cho sự rõ nghĩa và chính nó sẽ giết chết sự cuốn hút của chúng ta trong giao tiếp với những người khác. Nền tự do nào, kể cả tự do trong truyền thông, cũng có cái giá của nó. 

Nguồn: Wilhelm Vossenkuhl, Philosophie für die Westentasche, Piper Verlag GmbH, München 2004. Các trang từ 51 đến 62
Post Datum: 02:50, 2013-05-28




Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen