THƠ I: NĂM THÁNG CUỘC ĐỜI


 Thơ Xuân Nhâm Thìn
14:08, 2012-01-26
Những cảm nhận và phản hồi khi đọc các trang nhà thân hữu cũng mang lại không ít hứng kh8ôi cho đời; Vậy ghi lại như những kỷ niệm của Một Mùa Xuân Mới. (Thứ tự có chủ định)

Bài thứ nhất:
Nối điêu“ và „khảo vấn
20:51, 2012-01-25

Kính thưa Cụ Tướng quân Nguyễn Trọng Vĩnh,
Cụ đã viết bài thơ nhiều trăn trở; Đoạn thứ hai là thực và đau đớn nhất.
Xin được góp đôi điều cảm nhận như sự „nối điêu“ và „khảo vấn“.
Cẩn bút.

Như rùa: cổ rụt trong mai cứng,
Đầu chẳng vươn cao; bước: tiến, lùi;
Non sông gấm vóc, Dân hùng liệt,
Há chịu thân hèn kém thua người?

Giang sơn tử hĩ, sinh đồ nhuế,
Mấy ai tự vấn: Phận làm trai?
Những lăm gánh vác“, khi còn chí,
Chẳng lẽ tầm thường thế gian thôi?

Nguồn thơ của Tướng quân Nguyễn Trọng Vĩnh:




Trăn trở đêm Giao thừa
Nguyễn Trọng Vĩnh

Giao thừa suy ngẫm chuyện gần xa,
Và cũng điểm qua chuyện nước nhà;
Xuân tới chờ xem trời có hửng?
để xua tan mây xám, sương mờ.

Ba thập kỷ qua một cuộc đua,
Xung quanh Rồng, Hổ, nước ta Rùa;
Vì đâu nên nỗi thua người quá!
Dân tộc anh hùng, xấu hổ chưa?!

Phải đâu đất nước thiếu nhân tài,
Đáng trách ai kia bỏ phí hoài;
Sợ mất quyền, tiền – sinh đố kỵ,
Hay không sáng suốt hóa dùng sai?

Nếu vì sai, hãy sửa đi mau!
Thức tỉnh lương tâm, thiện ý nào!
Rũ bỏ quyền uy, lợi ích nhóm
Bung ra, cho nước mạnh dân giàu!

Đêm 29 Tân Mão, N.T.V

Chú thêm thơ dẫn trích: Xuất dương lưu biệt“, Phan Bội Châu; Văn chiêu hồn“, Nguyễn Du.
Bài thứ hai:

Cảm nhận 1
17:09, 2012-01-25
.
Thuận Thiên“ quy tụ NHÂN TÂM lại,
Giặc tan – „Hoàn Kiếm“ để An DÂN;
Ấy bởi „Việc quân là sự ác“,
Thánh đế đời đời vẫn „nương“ NHÂN.
.
Cảm ơn anh (Đinh) Quang Tỉnh,
... – Đọc để nhớ nghĩ đến người xưa: Tôn Vũ tử nói „Việc quân là việc ác, không thể dùng lâu“; Nguyễn Trãi cũng chỉ rõ: „Quân điếu phạt, trước lo trừ bạo“. Đức Thánh Trần thì dặn lại là „nương Dân“ để làm chỗ TỰA.
Đúng ĐẠO thì không sai; Mà nhiều sai quấy chính là do không đúng đạo vậy!



 Thơ đón Xuân Nhâm Thìn


20. 01. 2012
 
 Diên Hồng nối mạng
01:03, 2012-01-20
.
Chưa có „Hội nghị Diên Hồng“ thì nối mạng Diên Hồng,
 - Thời đại cho ta đôi cánh mới;
Dấn bước đi lên, cuộc sống không chờ đợi,
Tám mươi triệu con người mang cốt khí Cha Ông.
.
Nước Nam dòng dõi Tiên Rồng,
Trường Sơn trụ vững, Biển Đông vẹn toàn;
Đứng nơi đầu sóng kiên cường,
Bởi trên đất hiểm, biết nương Lòng Người!
.
Phương Ngôn: „Có cứng mới đứng đầu gió.“
Trương Hán Siêu: „Bởi đâu đất hiểm, cốt mình đức cao.“
Đức Thánh Trần: „Nương sức Dân làm kế Rễ sâu - Gốc bền.“

Lời chú:
Kính gửi bác Nguyễn Trọng Tạo và Tác giả,
Xin được ghi theo ít dòng cảm nhận góp tình trong giờ phút chờ Xuân.
Trân trọng.
Link (đường dẫn):


19. 01. 2012
(26 tháng Một: Kỷ Mão, Tân Sửu, Tân Mão)

 Con đường Việt tộc: Nghe từng bước mùa Xuân
 
18:59, 2012-01-19

Đọc bài bác Bùi Tín (http://www.danchimviet.info/archives/50491),
Mến nhớ Cù Huy Hà Vũ, Bùi Thị Minh Hằng, …
Cảm động trước lòng nhân ái và tinh thần vô úy của những nhân sỹ yêu thương đùm bọc những nạn nhân sau hành động kiên cường chống bạo quyền của người lính, người trí thức, người lao động Đoàn Văn Vươn Tiên Lãng.

Ôi những con đường tuổi trẻ,
Đi qua xiềng xích, tù đầy;
Tự do, Nhân quyền, Công lý,
– Đường xa thử Chí, Lực người!

Mùa Xuân về cùng trời đất,
Tình Người sưởi ấm cho nhau;
Non Sông - Mồ hôi, nước mắt,
Và bao nhiêu giọt máu đào!
Chẳng kẻ thù nào cướp được,
Khi Nhân Dân ngẩng cao đầu!

Thế giới đổi thay: Gió Mới,
Con người tự chủ đời mình;
Bước tiếp Con Đường Việt Tộc,
Xuân sang: Tỏ rạng bình minh!

 
 
08.07.2011


 Chữ của năm 2011: „Vô Cảm“
06:38, 2012-01-01

Viết tiếp "Đọc Bạn" trên Trang nhà Thùy Linh

Xin Đừng Vô Cảm“ – Đóng cửa rồi,
Đễ cho „Vô cảm“ được lên ngôi;
Vô Tâm“, „vô Thức“ thì „Vô cảm“,
Thì có lưu manh đạp Mặt NGƯỜI !



 Thơ Tháng Bảy: Biểu Tình Lòng Yêu Nước
 00:35, 2011-07-08
Tập hợp ba bài thơ trí thú đã đăng tải trên một số trang mạng (Bauxite Việt Nam, Nguyễn hữu Quý)

Dậy mà đi! Tiếp bước đi!
14:44, 2011-06-25

Dậy mà đi! Dậy mà đi!
Non sông đã chết; Sống thêm nhục.“
Phụ mẫu chi dân“ vẫn sống quỳ!
Ngẩng đầu, Việt tộc ngàn năm đã,
Xiết chặt vòng tay, tiếp bước đi.

Tổ Quốc hay là chết!
Dậy mà đi! Tiếp bước đi!

Phá cường địch, Báo Hùng ân! 


Yêu Thương Việt Nam
Kính tặng Anh André Menras
13:54, 2011-06-25

Đã yêu, yêu đến trọn đời,
Đã thương, thương lúc biển trời bão dông;
Yêu thương – Sáng ấm lửa hồng,
Chân thành ghi tạc trong lòng: Tình Anh!




Tấm Ảnh Đẹp
12:22, 2011-07-02
Mến tặng những người đang và đã vượt „lục thập hoa niên“;
Viết, nhân thăm blog của nhà văn Thùy Linh và tấm hình của nữ Trang chủ Phật tử, Tác giả bài “Sex tất cả, trừ lòng yêu nước”.
[Xin mạn phép post lại ảnh riêng vì gắn với nội dung.]


Quá nửa cuộc đời:
Mắt nhìn trong khoảng hẹp,
Và sâu.

Phía rộng dài,
Là vùng đã khép;
Dành cho người đến mai sau!

“Ta bà - Tạp cư lục súc”
Vẫn có đường về cõi Hạnh:
Bình Tâm trong Ánh Đạo Vàng.


 BẢN THẢO A: THỜI SINH VIÊN

 14:28, 2011-05-22

Ra  mặt  trận

2. tháng Tư 1968

Đường ra mặt trận thênh thang rộng,
Mây trắng cùng bay giữa trời hồng;
Gió lùa lau lạch bên sườn núi,
Một cánh chim trời vút tầng không.

Chim lượn về đâu hỡi chim bay,
Giữa cảnh bao la đất nước này;
Cho ta nhắn gửi về quê Mẹ:
- Đánh giặc xong rồi con về ngay.

Đánh giặc xong rồi con về ngay,
Con về dựng lại mái tranh gầy;
Làng xóm đạn bom thù tàn phá,
Thống nhất hai miền ta lại xây.

Con đi ngày ấy thuốc xanh mầu,
Chắc Mẹ hôm nay hái lứa đầu;
Gói sợi thuốc vàng và Mẹ nhắc:
- Con về, chè  thuốc để đón dâu ...

Trời vẫn trong xanh, mây vẫn bay,
Tiếng súng nơi xa vọng núi đồi;
Đôi mắt người trai bừng ngọn lửa:
Quân thù đâu đó lại chôn thây!

Xốc lại ba-lô, súng đổi vai,
Chân bước dồn chân, thách đường dài;
Đoàn quân cuồn cuộn ra mặt trận,
Mỗi bước quân đi chuyển đất trời.


Mãn Châu Lý
Chuyến xa nhà đầu tiên - 1968
Munich, 26.01.2007; Tạm hoàn thành: 08:30, 10. 06. 2007

Đây là đâu, là đâu?
Mãn châu lý, Mãn châu!
Cỏ xanh tràn mặt đất,
Trời trắng đục một mầu.

Mặt trời như bất lực,
Không nóng như mọi ngày;
Hôm qua còn kêu bức,
Hôm nay rét xoa tay.

Nhưng ở đây, ở đây;
Hoa hướng dương vẫn nở;
Xa xa bên làng chòi,
Bóng mục đồng trên ngựa...

Tốc hành, tầu vẫn chạy,
Bạn làm không ngừng tay;
Quê hương xa bao dặm?
Ba đêm và hai ngày.

Nhớ chưa thành đau đáu,
Buồn chưa thành dắt day;
Thương chưa thành tâm sự,
Chỉ ngỡ ngàng đổi thay...

Đất trời tuy có khác,
Nhưng cũng những con người;
Lục tìm trong ký ức,
Mãn châu? Thật xa vời...

Thử xem lại lịch trình:
Ngày mai tầu đổi hướng;
Sẽ đi về phương tây,
Kim giờ đổi hàng ngày!

Tạm ghi lại chặng đường,
Mãn châu và bắc phương;
Dọc theo đường kinh tuyến,
Lịch sử dài bao chương?


Một Đêm
24h, 8.10.68 - 5.3.72 - 3.7.83

Gió thoảng hương đồng nội,
Vờn nhẹ mái tóc em,
Hòa với hơi sương đêm,
Tỏa quanh mình êm ái.

Một mầu hồng rộng trải,
Cả không gian, cả thời gian,
Cả núi sông,
Cả làng quê và cả ruộng đồng.

Ôi đêm nay,
Bàn tay ai để trong bàn tay,
Cặp mắt ai nhìn vào cặp mắt;
Gió vờn mái tóc,
Và từ áo em,
Hương đồng quê say như hơi men.

Đêm nay,
Anh và Em cùng đứng nơi đây,
Giữa núi sông, giữa lòng tổ-quốc,
Thấy mênh mang mầu xanh mơ ước,
Của ngày mai.

Ôi đôi mắt thiết tha,
Lắp lánh đôi ngọn lửa;
Say đắm nhìn như sắp lìa xa,
Như thể chẳng còn được nhìn nhau nữa.

Anh nhìn em đắm đuối,
Như mới gặp lần đầu,
Muốn nói mà không nói,
Và cứ thế nhìn nhau.

Nhìn nhau và nhìn nhau,
cũng đủ rồi;
Hai con người,
Hai trái tim,
Chìm trong lặng im,
Chìm trong náo nức:
Hai trái tim đã hòa chung nhịp đập.

Mây cứ trôi,
Đêm cứ trôi,
Trăng vẫn dịu hiền soi bóng hai người;
Lâng lâng,
Vành môi;
Vành môi nồng hơi th:
Anh yêu - Em yêu...
Và lại lặng im,
Thế cũng là nhiều.

Không gian xanh sắc trời,
Đồng nội vàng ánh nguyệt;
Tất cả đều tinh khiết,
Có gì đâu: Một bình minh hẹn hò

Mây như ngừng trôi,
Trăng treo,
Gió lặng;
Ôi trần gian,
Những lời đêm nay đọng mãi âm vang...

Phương đông vừng hồng chớm dậy,
Có tiếng gà nào chợt gáy;
Những chùm hoa lửa vút bay lên:
Tiếng pháo xa vọng rung trời đêm.

Nhưng rồi tất cả lại trở về yên lặng,
Và hai chiếc bóng,
Chìm vào hừng đông,
Chìm vào bao la đất nước núi sông.

Những tiếng gà,
Râm ran xóm xa:
Một đêm dài đã hết;
Và lại đến,
Một ngày quyết liệt:
Chiến đấu, dựng xây.


Thư Quê Hương
1969, Một-Chạp

Những lá thư đã sờn cả mép rồi,
Vượt gió mưa, giờ đến tay tôi;
Gửi nhớ thương qua trang giấy mỏng,
Gắn tâm tình trên tháng năm trôi.

Rất bình thường,
Những điều rất bình thường,
Mà cuộn trào bao nhiêu nhớ thương,
Bão nổi, mưa gào, gió to, sóng cả ...
Chẳng nhòa phai hình bóng Quê Hương.


Đại Sứ Quán Cộng Hòa
16.12.69

Chúng tôi về sứ quán Cộng-hòa, [*]
Như người thân trở lại thăm nhà;
Đường xa tuyết phủ, xe về chậm,
Vẫn thấy lòng vui, rộn rã ca...

Ôi mái nhà con rất bình thường,
Như nhà ta vậy, cũng phong sương;
Kìa bác Như về, tay xách cặp,
Tấm áo dạ sờn, đẫm tuyết vương.

Đi giữa mùa đông trắng tuyết rơi,
Vẫn thấy trong tim ấm tình người;
Muôn dặm xa quê, lòng một khối,
...

[*]
Botschaft der Republik Süd-Vietnem: Đại di ện M ặt tr ận Dân tộc Giải phóng Miền Nam tại Cộng hòa Dân chủ Đức;
Đây là chuyến về ĐSQ của đoàn sinh viên tham gia văn nghệ cho hoạt động hữu nghị với Nhân dân CHDC Đức.]

Lên Núi
(Kurort Jonsdorf)

Lếch nhếch 45 thằng,
Bở hơi tai trèo núi;
Bên đường tuyết trắng băng,
Rừng chi không gò bụi?

Cây vút cao chót vót,
Lá xanh lọc ánh trời;
Nắng chiều vàng đọng giọt,
Trên tuyết trắng vừa rơi.

Càng lên núi càng cao,
Đá đen chèn đá trắng;
Bỗng hiện ra lâu đài,
Đắm chìm trong yên lặng.

Từ bao giờ?
Thời gian đọng lại trên phiến đá khắc tên người,
Sự biến chất chồng lên bức tường vỡ lở ...
Dừng chân đôi phút lấy hơi,
Chiêm ngưỡng công trình, nh người không còn nữa.

Rồi cũng đến đỉnh cao,
Nhìn xuống chừng chóng mặt;
Ai nấy đều thở phào,
Thả hồn trong ngây ngất ...

Lát nữa mình "bương" xuống,
Chắc đỡ mệt hơn nhiều;
Một khoảng rừng Johnsdorf,
Chứa chất bao nhiêu điều !...


Thư Nhà
29. 12. 1970

Ôi lá thư quê hương mộc mạc đơn sơ,
Qua bao núi sông biên giới,
Chứa chất bao nhiêu chờ đợi,
Mà đốt lửa hồng trong tim ta?

Ta gặp lại Cha, em, gặp lại mái nhà,
Ta đã sống những ngày thơ dại.
Ôi, tháng năm trôi,
Mà ta còn nhớ mãi:
Câu hát ru hời, tiếng quạt nan tre,
Của Bà ta mát rượi trưa hè ...

Biết nói làm sao cho hết tấm lòng mình,
Nhớ  mái rạ, bờ tre, vườn rau, gốc mít,
Thương tấm áo em ta vá hoài chẳng kín,
Xót bàn chân Cha nẻ toác những ngày đông,
Vẫn dong trâu, vác cuốc ra đồng ...

Phải chăng vì trên đất này, chân ta từng bước,
Mỗi sáng mùa đông ta múc từng gầu nước,
Trộn phân nồng, tưới gốc rau xanh,
Nên ta nhớ những bát canh sớm tối ngọt lành?

Phải chăng đã qua những  mùa đông buốt lạnh heo may,
Ta quý từng cọng rơm lót ổ?
Phải chăng từng ăn bát cơm chín phần ngô đỗ,
Nên ta tiếc hạt cơm rơi?

Bao la sông  núi đất trời,
Đồng ruộng quê ta thật đẹp,
Nơi đây sống những con người,
Một đời chân chất,
Áo vá, chân bùn, nắng cháy da ...

Ta hỏi lòng mình phải sống sao đây,
Cho xứng với xưa, sau và hiện tại.
Cho ký ức về tuổi xuân không bao giờ tàn lụi,
Cho tình người ấm mãi trái tim thơ !



Ốm
24h20, 5. tháng Hai 1971

Gân cốt tưởng chừng như nhão ra,
Đầu thì choáng váng, mắt thì hoa;
Vừa ngồi dăm phút chân đã mỏi,
Lại nằm co quắp tựa ông già.

Cứ thế này e chết mất thôi,
Dậy lấy lò-so kéo một hồi;
Mồ hôi thấm áo, người mệt lử,
Thôi thế đủ rồi, thôi, thôi, thôi! ...

Ngả lưng một tí, nghe khoan khoái,
Người tuy còn mệt, máu chuyển đều;
Mong cái phút giây mình khỏe lại,
Mặc lòng chạy nhảy, thích bao nhiêu!

Có ốm mới thèm sao lúc khỏe,
Khi già lại tiếc thuở trai tơ!
Lẽ đời đơn giản như thế đó:
Hãy tiếc thời gian tự bây giờ!!!

Đi Chợ
đời sinh viên, Merseburg

Qua cánh đồng nhỏ - Vắt một con đường;
Một dòng suối nhỏ - Mấy cành câu buông.

Gió lùa vi vút - Cỏ lác xạc xào;
Chập chờn chim nhỏ - Thấp rồi lại cao ...

Chí...ích, chò...òe...  - Tiếng chim lảnh lót;
Người lắng tai nghe - Chìm trong dịu ngọt.

Chợt như tỉnh giấc: -Thôi, khéo muộn giờ;
Ngày mai chủ nhật - Ăn mì và bơ ...


Kỷ Niệm
13.05.71, tặng Lĩnh.

Đồng xanh chen núi đỏ,
Phi-lao rợp bên đường;
Chân bước nhanh trên cỏ,
Nghe gió hát du dương ...

Qua những làng, những xóm,
Qua những bến, những đò ...
Ta về thăm Bích-Động,
Đường lên chùa quanh co.

Nghe tiếng chuông, tiếng mõ,
Tưởng lạc vào Hư-Không;
Nhưng kìa: Ai ngồi đó,
Bàn những chuyện ’’chuyên-hồng’’...

Hội nghị Tỉnh-đoàn mở,
Về đây ta gặp nhau:
Nắm tay mừng gặp gỡ,
Chuyện hoài giờ giải-lao ...

Ba ngày trôi chóng quá,
Hôm nay chia tay rồi;
Tiếng chào ai vội vã,
Nén con tim bồi  hồi ...

Nhìn bóng bạn dần xa:
Thôi chào người-đồng-chí!
Trời cao rộng bao la,
Ôi những ngày chống Mỹ! ...


Lòng Mẹ
8. tháng Sáu 1971

Có hạnh phúc nào hơn hạnh phúc,
Được ngồi ngắn nghía đứa con yêu
Hai tay ghì sát con vào ngực
Dịu dàng tha thiết biết bao nhiêu.

Mặt mẹ cháy hồng mầu nắng gió,
Mắt con ngời sang ánh tương lai;
Như cây măng nhỏ bên tre mẹ,
Vươn mình lớn dậy giữa ban mai.

Ôi nói làm sao cho hết được,
Lòng mẹ thương con suốt cuộc đời;
Rừng bao nhiêu lá, sông bao nước,
Chẳng bằng công mẹ dạy nuôi tôi.

Trong vòng tay mẹ con đã lớn,
Con đã đi lên giữa cuộc đời;
Dưới vành  nón lá hình đất nước
Nắng mưa nào quản, mẹ yêu ơi.

Ta cám ơn ai chụp tấm hình,
Khơi dậy trong ta cả khối tình;
Cho ta hiểu rõ thêm lẽ sống,
Tận nguồn lòng mẹ, thuở sơ sinh ...


Cô Bán Phiếu Ăn
Trại hè Sinh viên - Sommerlager Ilmenau,
10.-26. tháng Tám 1971

      Gặp em, cô bán phiếu ăn,
Dáng xinh xinh tấm khăn rằn vắt vai;
      Nụ cười như ánh sao mai:
Thấy em, vất vả đường dài tiêu tan ...

      Tôi qua bao núi bao ngàn,
Về đây cơm nước có bàn tay em;
      Bàn tay có bữa lấm lem,
Bưng từng két nước thâu đêm chẳng ngừng.

      Bàn tay có bữa tấy sưng,
Lau bàn, sắp ghế, sửa từng chiếc khăn;
      Thương em khuya sớm nhọc nhằn,
Em cười: Các bạn khó khăn hơn nhiều!


Dresden I
1972

Dresden,
Giọt máu năm nào hãy còn hoen,
Trên thành phố cũ,
Những vết cắn của con thú dữ,
Còn in trên những mái nhà.

Tôi đi hôm nay,
Giữa cuộc đời thơm ngát hương hoa,
Vẫn thấy nhói đau khi nhìn vết đạn;
Tôi đi hôm nay trong lòng bè bạn,
Nghe du dương bản nhạc tình người.

Nhìn những cánh chim câu bay rợp bầu trời,
Tôi nghĩ về đất Mẹ:
Đất nước đã quang mây, trời bừng nắng ấm,
Nhưng lịch sử từng giây vẫn nhắc nhủ mình:
Đế quốc còn thì còn có chiến tranh,
Đừng buông lơi khẩu súng.

Cuộc sống,
Hãy sẵn sàng cảnh giác cao hơn,
Vũ khí kẻ thù không chỉ có đạn bom.


Dresden II
hay "Tuyên-ngôn về đẹp" trước Bảo-tàng Tranh Galerie Schwinger
12 tháng Ba 1978 - 20 tháng Giêng 1981.

Ta đến thăm những Thiên-thần của những thuở xa xưa:
Mỗi Thiên-thần đều mang nỗi âu lo trần thế;
Thiên-thần,
Là trí tuệ bao nhiêu thế hệ,
Là máu, là xương của chính cuộc đời!

Ôi Raffael, Albrecht, Rubbens...
Người sống tự bao giờ mà sao gần gũi vậy?
Trong ánh bình minh Phục-sinh buổi ấy,
Người đã bay trên đôi cánh Tự Do.

Lịch sử rất gần, dù bao năm tháng đã trôi qua:
Thế kỷ 16, 17 đây,
Và ngoài kia là 18 tháng Hai khói lửa*;
Ngoài  kia nữa: dưới ánh trời rực rỡ:
Những đôi tình nhân sánh bước bên nhau ...

Vượt qua những chiến tranh, vượt qua những khổ đau,
Cuộc sống vẫn sinh tồn như cỏ cây bám sâu vào đất;
Và trên đó lại hoài thai cái  đẹp,
Như cây sinh hoa,  kết trái cho đời.

Cái đẹp di truyền trong mỗi bào thai,
đẹp - là sự  hài  hòa  từ  bản  Chất;
Không có cái  Đẹp  nào nằm  ngoài sự  vật,
Không có tình  yêu  thì đâu có những thiên  thần!
           
----------------------------------------------------------------------------------
· Viết lại 14. 01. 2001
· 18. Tháng Hai 1945, ngày nước Anh  ném bom xuống Dresden


Xuân Tự Do
15 - 23 tháng Hai 1972

Trên đất nước, mùa xuân đang trở lại,
Những cánh chim mê mải tung trời;
Cây lại hẹn mùa đầy hoa trái,
Đồng lại xanh theo hạt mưa rơi.

Xin từ giã mùa đông giá lạnh,
"Áo hào hoa" với "bụi phong trần";
Thân trai trẻ căng đầy sức mạnh,
Bắp tay trần cuộn những làn gân.

Xin kính chào bình minh rực rỡ,
Những mắt hiền chan chứa yêu thương,
Nhìn thẳng hướng trời nam khói lửa,
Trường Sơn rầm rập bước hành quân.

Kính chào những bàn chân đột phá,
Giữa trận này: trận cuối tử-sinh;
Lấy máu xương phá thành cửa mở,
Tạc nên hình dũng sỹ quang vinh.

Xin kính chào các chị, các anh,
Giữa núi rừng mở thêm trận địa;
Khi đồng bằng rộn tiếng hát thâm canh,
Thì rừng  hoang cũng bạt ngàn chuối, mía...

Kính chào những anh hùng vừa trị Thủy-tinh,
Lại bắt Sơn-tinh phục vụ đời mình;
Lịch sử mãi ghi bàn tay khai phá,
Trong buổi đầu của các chị, các anh.

Thêm một tuổi đời càng thêm hiểu mùa xuân:
Xuân Độc-lập, Tự-do – Xuân bất tận;
Càng nhớ lại những ngày tủi hận,
Càng quý vô cùng cuộc sống hôm nay.

Trong đội ngũ điệp trùng, tay nắm chặt tay,
Ta đi lên trong tình yêu bè bạn;
Lòng rộng mở tới vô cùng vô hạn:
Mang cả loài người trong trái tim.

Hãy yêu đi, yêu hết nghe em,
Với cả trái tim mình, chế độ;
Cuộc sống dù còn nhiều gian khó,
Đã bắt đầu bản nhạc Tự-do.

Và cất lên đôi cánh ước mơ,
Nâng tâm hồn lớn cao cùng thời đại;
Đây cơ đồ cha ông để lại,
Phải xây lên tươi đẹp muôn lần.

Khúc hát Tự-do, khúc hát mùa xuân,
Tôi hát mãi chẳng bao giờ ngừng nghỉ;
Trong tiếng súng quét hết tàn quân Mỹ,
Trong tiếng máy cày khai phá núi rừng xa.

Mùa xuân,
Cuộc sống đâm chồi, cuộc sống nở hoa!


Sông Quê
1 tháng Ba 1972

Những dòng sông phẳng lặng,
Suốt đời chẳng ngừng trôi ...
Nhớ sông Hoàng Long!

Dòng sông quê tôi,
Uốn mình quanh thôn xóm;
Đêm trăng gió thổi hoài,
Sông rợn vàng lấp lánh.

Con sông nhỏ hiền từ,
Đã bao đời tưới mát,
Những ruộng khoai, bãi ngô,
Của quê ta bát ngát.

Sông xanh thắm mùa thu,
Đỏ phù xa mùa hạ,
Đông về làn nước buốt thịt da,
Xuân sang êm đềm bao sắc lá.

Bốn mùa,
Sông là hàn thử biểu của đất trời;
Bốn mùa,
Sông vuốt ve những bộ da ngăm đen,
Của lũ trẻ,
Để thấy chúng lớn lên cùng năm tháng.

Tuổi thơ có khác gì cánh nhạn,
Đã từng chao cánh mặt sông xanh;
Còn sông vẫn muôn đời chung thủy uốn quanh,
Ôm ấp, vuốt ve làng xóm ...


Thăm Lại Nơi Xưa
(7.4.72 - 30.10.83)

Ta về thăm lại nơi xưa:
Oybin, ngọn núi gió mưa giãi dầu;
Hàng bia kể cuộc bể dâu,
Gốc cây già mãi ghi mầu tháng năm...

Nắng vàng từng giọt xuyên mây,
Ngày xưa ta đến, rừng đầy tuyết băng;
Phải chăng theo bánh xe bon,
Tình ta đã trải núi non ấm cùng?

Zittau, quê của núi rừng,
Lá vàng lớp lớp phủ từng gốc cây;
Đặt chân lên lớp lá dầy,
Tưởng như cuộc sống tự đây khởi nguồn.

Con tầu nhả khói trèo non,
Như con sâu nhỏ chạy luồn rừng cây;
Ga sâu, khi vắng khi đầy,
Bé thơ ai bế trên tay nhoẻn cười...

Chốn xưa chìm phía sau rồi,
Vẫn nghe bao lớp sóng dồi trong tim;
Ước gì sống lại buổi đêm,
Ta và em giữa một miền hoang sơ...

Trở về thăm lại chốn xưa,
Để con tim uống nguồn thơ ngọt ngào;
Để lòng lại được nao nao,
Với bao kỷ niệm của bao tháng ngày.

Bạn đời ai đó có hay ?...


Nghĩ về Võ Thị Sáu
21. tháng Tư 1972

Mười sáu tuổi xuân đi vào lịch sử,
Như Lê-ki-ma, thơm ngát hương đời;
Tên Chị đã hóa thành bất tử,
Cho muôn sau trong sáng tấm gương soi.

Sau lưng Chị điệp trùng đội ngũ:
‘‘Là đoàn người vui vẻ, gái cùng trai‘‘,
Nối bước Cha, Anh, vững vàng cờ đỏ,
‘‘Đang hy sinh tranh đấu cho ngày mai‘‘.

Bất chấp đạn bom, lao tù, máu đổ,
Dấn thân giành, giữ nước non này;
Tiếp bước anh hùng:
Thế hệ chúng tôi!


Tháng Tư
28 Tháng Tư 1972
Phương ngữ Đức:
April, April, Der weiss nicht, Was der will.

Tháng Tư, ôi tháng Tư!
Đang nắng lại đổ mưa;
Trời xanh rơi tuyết trắng,
Cho lòng người ngẩn ngơ.

Tháng Tư, ơi tháng Tư!
Muốn gì sao không nói?
Chỉ thấy đám mây bay,
Che bao tia nắng mới.

Một tâm hồn u uẩn?
Một tính khí thất thường?
Hay em còn vương vấn,
Mùa đông đầy tuyết sương?

Không, không đâu có phải,
Tháng Tư, ơi tháng Tư,
Ta hiểu tháng Tư lắm,
Như hiểu chính lòng ta:
Đất trời đang trăn trở,
Cho một mùa đầy hoa.

Tuyết muốn nhắn nhủ đời,
Nhớ về thời gian khó;
Còn những ánh mặt trời,
Là tương lai rực rỡ.

Sau tháng Tư,
Là tháng Năm: 
Mùa Hoa Nở ...



Cuộc Sống
Viết trong những ngày đầu đến Merseburg
9. tháng Bảy 1972

Khi ngọn gió hòa vào trận gió,
Khi dòng sông tìm đến biển khơi;
Khi một người hòa trong triệu con người,
Thì cuộc sống mới thực là cuộc sống.

...
[Một bài thơ viết ...dở!]


Jane Fonda
4. tháng Tám - 7. tháng Mười  1972
Theo vần bài Lorelei, thơ Heinrich Heine

Tôi chưa hiểu hết vì sao,
Niềm vui sớm ấy tràn vào lòng tôi;
Truyền từ châu Mỹ xa xôi,
Lan trên mặt báo, sáng ngời niềm tin.

Không gian lạnh ngắt như tiền,
Thời gian lặng lẽ trôi trên cuộc đời;
Ngôi Nhà trắng đứng chơi vơi,
Washington nhuộm mầu trời hoàng hôn.

Một cô gái đẹp mê hồn,
“Tự-do thế-giới” tiếng đồn gần xa;
Anh hùng màn bạc tài hoa,
Bỗng nhiên cất những tiếng ca tuyệt vời.

Nàng đi với trái tim thôi,
Qua bao nước, thức tỉnh người chiến binh;
Nàng đi giữa sóng biểu tình,
Góp chung tiếng gọi: Hòa bình - Việt Nam!

Tiếng hô đả đảo trùm SAM,
Mạnh như sóng biển, dâng tràn mênh mông;
Nixon vật lộn giữa dòng,
Cố ngoi lên giữa  muôn trùng sóng khơi.

Tôi tin sóng sẽ nuốt trôi,
Thuyền Đế-quốc với cao-bồi Nixon;
Ngút cao như ngọn sóng cồn,
Là ba dòng thác đang cuồn cuộn dâng.

Hoà trong trận chiến đấu chung,
Có lời ca, có tấm lòng Fonda.


Gửi Người Du Kích Palestin
1973 – 18. 07. 1983

Có nỗi đau nào bằng nỗi đau mất nước,
Trời tối tăm và đất âm u;
Ta đứng lên quyết giành về Tổ-quốc,
Khẩu súng trong tay và mối hận thù.

Không quê hương,
Mỗi bước đi trên những miền đất lạ,
Bàn chân bầm tím giọt máu hồng;
Nhưng khi nghĩ đến quê cha đất tổ,
Thì nỗi đau lại quặn xé trong lòng!

Rõ ràng nơi đây cha ông đã sống,
Palestin,
Người qua bao hưng vong để tới hôm nay?
Người đau lòng xiết bao trong những ngày này,
Khi đàn cháu con lang thang phiêu dạt,
Còn đất cha ông tan nát dưới giầy quân xâm lược.

Có cuộc chiến đấu nào chính đáng hơn cuộc chiến đấu này chăng:
Cuộc chiến đấu bảo tồn một giống dòng,
một thế hệ những con người đang sống,
Cho mỗi đứa trẻ sinh ra đều được ngắm trời quê cao rộng,
Cho mỗi con người nằm xuống đều yên lòng về với tổ tiên?

Palestin,
Tôi viết về anh,
Như viết cho chính lòng tôi vậy;
Vì chúng tôi cũng đã bước ra từ lửa khói,
Từ bom mìn, từ đồng khởi đến hôm nay.
Tôi viết cho anh và tin có một ngày,
Đuợc chào anh trên quê hương chiến thắng.


Đón  Em
28. tháng Bảy 1973.
Dịch thơ Ulrich Grasnick: Zu Deinem Empfang;
Nguyên bản được viết cho Đại hội Thanh niên Thế giới Berlin.

Trong bình có một bông hoa,
Bông hoa hồng thắm, đó là phần Em;
Hoa đang thao thức ngày đêm,
Bao giờ ... trên cánh tay Em, nở hồng.

Những buồn thương lạnh tê lòng,
Những nao nao của ước mong, đợi chờ;
Và bao giây phút ngẩn  ngơ,
Anh không kể nữa, những giờ bên Em.

Những câu, những chữ nhẹ êm,
Dành Em, chỉ có dành Em thôi mà;
Những câu, chữ ấy bây giờ,
Chẳng còn mỏng nhẹ như là phong thư.

Lòng anh như khoảng trời thu,
Em như ánh sáng chiếu từ vầng dương;
Đôi chân Em bước nhẹ nhàng,
Rừng cây dường cũng vấn vương, bồn chồn.

Quán cà-phê nhỏ bên đường,
Hương thơm tỏa khắp một vùng cỏ hoa;
Bầu trời xanh rộng bao la,
Đàn chim én nhỏ đang là là bay.


Giã Từ - Abschied
14 giờ 30, 4.Dez.1973,
Gästebuch THC Merseburg;
Ghi trong „Sổ lưu niệm của Trường“, ngày tốt nghiệp xa Trường.
Merseburg, Merseburg,
Sắp chia tay rồi;
Xin chào tất cả,
Xin chào từng người.

*
Người cán bộ già lúc chào tôi,
Nắm chặt bàn tay giọng bồi hồi:
- Chúc bạn lên đường luôn mạnh khỏe,
Về cùng góp sức dựng tương lai...

Nếu gặp người nào đã ở đây,
Xin gửi lời chào của chúng tôi;
Mai đây chắc khó còn gặp lại,
Hãy nhớ đừng quên những ngày này ...

*
Sắp xa rồi, trường Đại học ơi,
Hơn bốn năm qua sống cùng người;
Như cánh chim non trong tổ ấm,
Mong đến một ngày cất cánh bay.

Ngày ấy bây giờ đã đến đây,
Bỗng thấy bồi hồi lúc chia tay;
Ta muốn ôm người, hôn tất cả,
Chỉ thấy môi run, lệ ứa đầy.

*
Ôi nói làm sao trong mấy câu,
Hết tấm long ta, tự buổi đầu;
Ôi nói làm sao cho hết được,
Chỉ nhìn ánh mắt mới hiểu nhau.

Merseburg, Merseburg,
Xin chào người bạn của lòng tôi,
Xin chào người bạn của đời tôi;
Mai ngày dẫu có đi xa mãi,
Ta vẫn ghi sâu ảnh hình người!



Vĩnh Biệt Mùa Hè
Theo một bài thơ tiếng Đức (nhớ lại)
 (28. tháng Bảy 1973)

Cơn gió lạnh từ xa thổi tới,
Bao trùm, mơn trớn, vuốt ve ta ...
Và nỗi buồn cũng từ đâu kéo lại,
Như chim trời cất cánh bay qua.

Ta nhìn khắp không gian, cảnh vật,
Bỗng thấy lòng trống trải mông lung:
Sắp xa rồi, mùa hè yêu quý nhất,
Xin hát tặng em bài hát cuối cùng.

Trái tim mang hương sắc mùa hè,
Ta từng đứng trên những đỉnh cao chót vót,
Ngắm ánh chiều cháy vàng, đọng giọt,
Trên non sông, đất nước, làng quê.

Có nghe chăng em hỡi mùa hè,
Bao tiếng thân yêu gọi theo em đó:
Hãy ở lại với quê hương, xứ sở,
Mùa hè, mùa hè mãi mãi trong ta!



 BẢN THẢO B: THỜI TẬP S Ự 

Khu Tự Quản
Bách Khoa 1973-74

Tôi yêu khu tự quản thanh niên,
Mặc dù tôi chỉ là người khách lạ;
Khu Tự Quản, - nghe thân thương quá,
Dù còn ngỡ ngàng trong buổi đầu tiên.

Những chàng trai đang độ lớn lên,
Những cô gái tuổi chừng đôi tám;
Những khuôn mặt còn tươi trẻ lắm,
Tự hào là sinh viên...

Họ về đây từ khắp mọi miền,
Thành phố, ruộng đồng, núi rừng, biển cả...
Có những người từng qua đạn lửa,
Lại về đây làm bạn với đèn khuya.

Những ngọn đèn náo nứa say mê,
Mà đất nước như mẹ hiền chiu chắt;
Giành cho những đứa con yêu quý nhất,
Đèn sáng canh khuya, đèn sáng lòng người.

Tôi ngắm nhìn những khuôn mặt yêu đời,
Những ánh mắt mang niềm vui lấp lánh;
Như những cánh chim chờ ngày cất cánh,
Tuổi trẻ luyện mình từ những bước đàu tiên.

Khu tự quản thanh niên,
Khu tự quản của những người trẻ tuổi;
Dám đứng thẳng, tự tay mình bẻ lái,
Tự quản lòng ta, tự quản đời ta.

Khu tự quản thanh niên-
            Đẹp như một bài ca !


Em Không Đến
12. tháng Sáu 1975-76

Em không đến nơi mình ước hẹn,
Gió chiều hiu hắt biết về đâu;
Em không đến, nhưng anh vẫn đến,
Chầm chậm thời gian như nước qua cầu.

Em không đến,
Chiêu nay em không đến,
Trăng vẫn lên soi tỏ con đường;
Soi tỏ hàng cây và thảm cỏ,
Trong mờ xa lấp loáng ngọc sương.

Gió lạnh thoảng đưa rung cành lá,
Trăng vàng êm dịu biết bao nhiêu;
Trời đất cùng anh xao xuyến đợi,
Mà sao em lỡ hẹn với tình yêu?!

Con đường cũ, chỗ hẹn xưa còn đó,
Những tiếng tâm tình đã ngỏ cùng nhau;
Vắng thiếu Em cho lòng anh trống trải,
Cho con tim rung khúc thơ sầu...

Em không đến...
Chiều mai em có đến?


Nhớ Heine
Merseburg, tháng Ba 1976 (?)

Tôi yêu Han-rích Hai-nơ,
Tôi yêu mến những vần thơ ngọt lành;
Những vần thơ sáng long lanh,
Gửi về sau những tâm tình người xưa.

Như dòng suối, những vần thơ,
Xanh in dáng núi nhấp nhô điệp trùng
Và như dòng nước mát trong,
Giữ cho cây trái, ruộng đồng mãi xanh.

Chào người thi sỹ quang vinh,
Chào người chiến sỹ đấu tranh trọn đời;
Học thơ, học cách làm người,
Yêu thơ, yêu cả cuộc đời thi nhân...

Hoa Thị Thành

27 tháng Năm 1976;
Đường Đại La

Tím tím mầu hoa giữa lá xanh,
Từng chùm hoa tím tận đầu cành;
Gió mai nhẹ nhẹ, hoa tươi vẫy,
Như đón như đưa khách bộ hành.

Đưa đón muôn người khách lại qua,
Mà sắc hương kia chẳng nhạt nhòa;
Bằng-lăng, dân phố quen tên gọi,
Ta gọi em là Thị-thành-hoa...


Ngọn Lửa Ngày Xưa
Bạch-Mai, hè 1976

Ngọn lửa ngày xưa cháy mãi trong ta,
Nhắc nhớ về bao kỷ niệm,
Những đêm trăng huyền diệu,
Nội cỏ mềm lấp lánh giọt sương khuya.

Con dường ngày ấy ta đi,
Đôi chân cứ vô tình đưa trở lại,
Hàng cây rì rào nhắc mãi,
Chuyện tâm tình hai đứa nói cùng nhau.

Những tháng ngày nối tiếp qua mau,
Cuộc sống vẫn chảy hoài uể oải.
Đôi lần đắm mình tưởng lại,
Những vụn mơ xưa lóe lên trong đôi mắt tần ngần.

Mỗi cuộc đời đều phải đi cho trọn một vòng,
Trong vô tận của dòng cuộc sống.
Trong dòng ấy tình yêu là mộng,
Số phận là sóng gió vô biên.

Ngọn lửa ngày xưa ấp ủ trong tim,
Trải gió mưa vẫn còn ấm mãi;
Yêu là mộng thì cần chi gian dối,
Với lòng mình khi nhớ những  ngày yêu...

Em
22. tháng Sáu 1975-76
10:03 – 071102

Em như vầng dương treo giữa bầu trời,
Nơi cao kia - thân thương mà xa lạ;
Gặp gỡ bao lần, bao lần tâm sự,
Tưởng rất gần mà sao quá xa xôi!

Ta và em mỗi đứa mỗi nơi,
Mà đã rất gần trong thương nhớ;
Trái tim ta là căn phòng nhỏ,
Duy nhất hình em soi sáng đêm ngày.

Những cách ngăn của cuộc đời này,
Không giam giữ trái tim con người được;
Nguồn sinh lực của ta là nguyện ước,
Bên nhau đi cho trọn kiếp nhân sinh.

Cho địa cầu quên giá lạnh mùa đông,
Cho cuộc đời tình yêu lên hương ngát;
Xin hiến dâng những gì yêu quí nhất,
Cho chung đời và cho cả riêng em.


Dù Sao Đi Nữa ...
Merseburg, 8 tháng Bảy 1976

Dù sao đi nữa, dù sao,
Cái ngày xưa đã đi vào tâm tư;
Merseburg, táo và nho,
Merseburg, nhạc và thơ và tình ...

Ngôi nhà con, mảnh vườn xinh,
Tử-đinh-hương tỏa thơm lành sớm mai;
Tuyết tan, cây lại xanh chồi,
Mùa xuân về trải núi đồi đầy hoa.

Bầu trời rộng đến bao la,
Đồng ngô chao sóng như là biển khơi;
Giòn tan là tiếng ai cười,
Mát thơm là quả táo người trao tay.

Mùa đông cho tuyết trắng bay,
Cho ai mũ ấm, áo dầy ... vẫn run!
Bếp lò đỏ, khói đen tuôn,
Phòng ai vẳng một cung đàn chơi vơi ...

Tuyết rơi, và tuyết vẫn rơi,
Lòng ta ca mãi những lời mê say:
Rồi mùa xuân đến mai nay,
Hoa anh đào lại nở đầy cành cao ...

Dù sao đi nữa, dù sao...


Bài ca Người Thợ
6-12 tháng Mười 1976
[Trưng ca chưa hoàn chỉnh]

I.

Xe bon trên phố,
Xe chạy xuyên rừng;
Vượt bao cát bụi,
Lốp xe SAO VÀNG.

Nhìn xe, nhìn lốp,
Ai người biết chăng,
Mồ hôi người thợ,
Rơi ngày rơi đêm.

*
Xin mời bạn vào thăm xưởng máy,
Than đen bay, can-xi trắng bay...
Giữa ngổn ngang cao-su, giữa ầm rung máy chạy,
Người thợ cao-su than bụi đầy người.

Than bám áo quần, than bám tay chân,
Than bám mặt cọ mấy lần không sạch;
Những buổi vội về, những khi mất nước,
Lọ lem như mới diễn tuồng.

Than bám người, nhưng vẫn sáng trong,
Là tâm tư, là tấm lòng người thợ;
Công việc nặng nề, cuộc đời gian khổ,
Miệng vẫn cười, mắt vẫn sáng niềm vui!


II.

Cuộc sống những ngày này đã bình yên,
Nhưng chẳng ai quên những năm tháng ấy:
Mất điện, mất hơi, thiếu người, hỏng máy,
Một bữa ăn, bom dội mấy lần.

Mất điện, máy dừng; Nhưng nỗi lo chung,
Là tính mệnh những người bên nhà máy điện...
Tình người rộng lớn như sông biển:
Tình thương yêu đồng chí, đồng bào.

Bom dội đêm ngày để chia cắt Bắc-Nam,
Những người thợ làm việc vô điều kiện;
Trong bom lửa, hình ảnh người thợ luyện,
Càng lớn cao, đẹp đẽ vô cùng.

Lốp vẫn ra cho cuồn cuộn nguồn hàng,
Cho thần tốc bước chân quân giải phóng;
Cho đĩnh đạc giữa Sài Gòn quang bóng giặc,
Bước chân người lính cụ Hồ mang dép cao-su.


III.

Trời hôm nay cao xanh sắc mùa thu,
Êm đẹp quá: Trời Tự-do Tổ-quốc;
Gió lạnh rừng mỡ Hoàng Liên Sơn
hòa cùng gió ấm biển khơi tràm đước,
Nhựa cao-su Tây Ninh về đất Thủ-đô ...

Đất nước hòa bình, dân tộc tự do,
Rời tay súng lại chắc tay liềm búa;
Vui tiếng máy reo, vui mùa lúa trổ,
Lấy sức cần lao xây đắp đời mình.

Và người thợ Sao Vàng,
Lại bắt tay cùng than bụi;
Mồ hôi thay tiếng nói,
Sản phẩm là tình yêu.

...

Bai-can Mùa Đông
tháng Giêng 1978

1.

Trong mắt Em có cả bầu trời,
Không rượu nồng mà say đắm lòng tôi;
Tôi say vẻ hồn nhiên trong trắng,
Và lòng Em sâu lắng đó Em ơi!

2.

Bai-can mùa này chỉ có tuyết thôi Em,
Với gió lạnh và hàng cây trụi lá;
Nào còn đâu dạt ào sóng vỗ,
Dẫu là hồ sau nhất địa cầu ta.

Có gì đâu, đơn giản thôi mà,
Bởi sóng chỉ  nổi lên nhờ gió,
Và sẽ biến đi như chưa hề có,
Khi mùa đông giá lạnh tràn về.

Nhìn biển trời mà lòng thấy tái tê,
Mà lòng tự hỏi  lòng có phải:
Khi dấn bước trong đời gió bụi,
Tình yêu chết dần  như sóng hồ  kia ?


Nếu ...
27.07.77, 9 giờ.

Nếu quá khứ là những đêm đen,
Và tương lai là một trời mờ ảo;
Nếu tình yêu giản đơn như thay áo,
Thì đời là lớp  kịch rất bi hài.


Nàng ...
Tháng Chạp 1976 - tháng Tám 1977

Không có nơi hò hẹn,
Không có nơi đợi chờ,
Trái tim như con đò,
Trôi hoài không thấy bến ...

Từ buổi sớm mai hồng,
Xanh mầm cây đời nở,
Tinh khôi: đời như mơ,
Du dương lời ca gió.

Rồi thân cây lớn cao,
Rễ bám vào lòng đất;
Cuộc sống bao mỡ mầu,
Như bờ xôi, ruộng mật ...

Lớn,  lớn mãi cây xanh,
Gió vi vu  lá cành,
Nắng hồng tươi, ấm áp,
Vui hoài: đời đang xuân!

Nhưng rồi hoàng hôn buông,
Gió lạnh từ đá núi,
Đất lạnh mù hơi sương,
Cô đơn,
Sầu trăm mối ...

Mùa đông, ôi mùa đông,
Rơi chiếc lá cuối cùng.
Ánh hè vương trên lá,
Cũng rơi vào    không!

Hoa nở và lá rụng,
Nỗi buồn và niềm vui;
Thở dài, lòng tự hỏi:
Ngày mai? Rồi ngày mai?...

Không có nơi hò hẹn,
Đợi chờ không có nơi.
Hoàng hôn, trời sắp tối,
Về đâu đò, đò ơi?



Ngộ
04.08.77,
(10:00 - 5. Sep. 2001)

Chẳng con đường nào trải toàn thảm đỏ,
Chẳng xứ sở nào nở bốn mùa hoa;
Mọi thần tượng đều lần lần sụp đổ,
Vàng son nào rồi cũng phôi pha...


Đi Gánh Nước
Bạch Mai, 13.12.1977, sáng

Sương đêm ướt lạnh đôi vai áo,
Em đi gánh  nước bước nhanh nhanh;
Nước có tình chi mà tung tảy,
Rắc ngọc bên đường dẫn bước anh?


Sống Mòn
14.12.1977

Cuộc đời là cái quái gì:
Ăn no rồi lại ngủ khì hết đêm;
Rau dưa, củi nước, dầu đèn,
Lo tem, lo phiếu, lo tiền ... hết hơi!

Sống như tù lỏng ở đời,
Đắng cay đọng cả trong lời ru con;
Ruột tằm năm tháng héo hon,
Sống cho trọn kiếp sống mòn mà thôi!


đôi bờ
18.12.1977, 14 giờ.

con sông nhỏ,
đôi bờ
xanh sắc cây.
bên ấy -  bên đây
chia cắt bởi một dòng nước  biếc.
Sông đơn chiếc,
chia đôi bờ
đơn chiếc.
chung một dòng
mà quá xa xôi ...

tháng năm trôi.
rồi một ngày
một chiếc cầu đơn sơ,
ai đã bắc.
hai bờ bỗng gần nhau
trong gang tấc.
hai bờ của một dòng sông.

Anh và Em,
biết nhau đã mấy mùa đông,
quen nhau qua mấy mùa hoa nở.
mà chưa một lần tâm sự,
chưa một lần sánh bước bên nhau ...
đợi chờ chăng,
ai đó
bắc cầu ?
sông vẫn chảy, chia đôi bờ đơn chiếc.

đợi chờ,
có khác chi là chết:
không được sống cho mình,
không dám sống cho ai !

Tự nhiên là những dòng sông,
Cắt chia là bởi tự trong lòng người.
Một dòng, chỉ một dòng thôi,
Nối liền là bãi, chia đôi là bờ ...


Chiều Vàng ...
Viết cho Tân, và ...

Buổi chiều vàng xuống; Anh đau,
Nỗi đau trong dạ, nỗi đau ngoài đời;
Nỗi đau ... không nói nên lời,
Âm u như trước khi trời bão dông ...

Như chiếc bách cuối cùng rệu rã,
Giữa mênh mông biển cả, sóng to;
Mịt mù nào biết đâu bờ,
Buông xuôi cho những bất ngờ, rủi ro.

Còn đâu những ngày giờ ngạo nghễ,
Buồm dương cao, nước xé mũi thuyền ;
Còn đâu buổi sáng mai lên:
Ánh dương in bóng ta trên nền trời ...

Còn đâu nữa, một thời oanh liệt:
Sống là cho, nào biết thiệt hơn;
Thanh gươm  kia với cây đàn,
Nước non in dấu đôi bàn chân ta ...

Ôi cái thuở ta là ta ấy,
Lòng vấn lòng: được mấy giấc mơ;
Thanh xuân, đời đẹp  như thơ,
Mấy ai biết được ngày giờ trôi nhanh!

Mấy ai đã một lần tính sổ,
Nợ đời; Và đời nợ bao nhiêu:
Lòng riêng nhắc nhớ một điều:
Tinh yêu duy nhất, tình yêu trọn đời...

Nay bóng xế chiều rồi; Mộng vỡ...
Đâu thời gian mà gỡ cho ra?
Bỗng nhiên, bốn biển không nhà,
Bỗng nhiên côi cút thân ta, một mình!

Còn đâu kẻ tâm tình sớm tối,
Còn đâu người chắp mối tâm tư.
Bấy lâu ... mà bỗng bây giờ,
Oán ai? Ai oán? Và ngờ cho Ai?...

* Cựu chiến binh; Quân báo chiến trường Đông-Bc



Tình Yêu
1977, cuối năm.

Tình yêu có thể làm nên máy tính,
Nhưng máy tính không thể làm nên tình yêu,
cho dẫu biết làm thơ.
Bởi tình yêu không sinh ra từ nhân, chia, trừ, cộng,
Từ vi-phân, căn số, lũy thừa...!

Tình yêu như một phạm trù,
Như một tiên đề trong hệ tiên đề Cuộc-sống;
Muôn đời vô vọng,
Những ý đồ định nghĩa tình yêu.

Tình yêu không chợt sinh ra trong một sớm, một chiều,
Mà phôi thai từ khởi nguồn cuộc sống,
Từ hỗn mang giữa Đời và Mộng,
Khi Ađam và Eva bừng dậy giữa trần gian.

Cuộc sống và Tình yêu  như thể xác với linh  hồn,
Là hai đó, cũng là một đó;
Hệ tiên đề không là gì khi còn bỏ ngỏ,
Cuộc sống không là gì khi không có tình yêu.



Mát-xcơ-va
24 tháng Ba 1978, 15h00

Cuộc viễn du bắt đầu giờ cuối,
Mat-xcơ-va,
Buổi chiều tàn đắm đuối;
Gió ào lên, hoa tuyết bay lên,
Con tầu nào đưa ta về lại bên em?

Gió bụi sáu-mươi ngày,
Mà tưởng mấy mùa đông đã qua;
Te buốt thịt da,
Là tình đời nóng lạnh.
Hơn ngàn cơn gió lạnh,
Hơn mọi cuộc dại hạn kéo dài,
Là mưu mô con người;
Trắng hơn vôi,
Là lòng người đơn bạc.

Nhưng rồi tất cả cũng qua đi,
Nụ cười đẩy mọi sự về quên lãng;
Bởi vẫn còn nắng ấm nơi kia:
Quê hương, người thương chờ ta năm tháng.


Còn Đâu
Bưởi-Cầu Giấy - 15.01.01 – Deutschland

Tình yêu khi đã cúi đâu,
Còn đâu vẻ đẹp, còn đâu tự hào;
Niềm tin khi đã đổ nhào,
Công trình chàng Dã tan vào bể khơi!...

Mát-xcơ-va
Tháng Giêng 1978

Dù gặp lại hay không gặp lại,
Mát xcơ va, thôi tạm biệt nàng;
Đường viễn du ta còn đi mãi,
Gửi lại nơi này bao nhớ thương...


Mùa đông nước Nga
6 tháng Giêng 1978, 6 giớ sáng (MEZ)
00:26 – 5. tháng Một (11) 2007

Trắng,
trắng,
trắng,
Mênh mông tuyết trắng!
Tuyết lạnh trắng và không gian tĩnh lặng,
Gió thổi ào qua những rừng thông,
Qua những hàng dương trụi lá bên đường.

Tàu vẫn đi,
ba ngày rồi,
mải miết;
Từ Bai-can đến Nô-vô-xi-biếc,
Qua Chi-ta buổi sớm sương mờ;
- Có phải Chi-ta trong khúc hát xưa,
Với đỉnh non xa mờ tuyết phủ?

 
Lòng lữ khách
xốn xang
niềm thương nhớ:
Đường vẫn như xưa, cảnh đã lạ lùng;
Nhà máy mọc lên san sát như rừng,
Ánh điện tựa thiên-hà trên đất.

Ngoảnh lại: mười năm,
- tưởng chừng khoảnh khắc;
Tóc trên đầu điểm bạc lưa thưa;
Chỉ có lòng người còn mãi như xưa:
Tình yêu vẫn như xưa,
cho dẫu trải bao mùa băng giá!


Lời "khúc hát xưa":
* Phủ đầy chân núi Chi-ta xa vời,
Mưa tuyết vẫn rơi, mưa đầy trời;
Chợt nghe tin đến, chân tay rụng rời:
Người chính em yêu ngã ngựa rồi.
* Không may gẫy tay rồi còn đâu,
Lây đâu tay lành ôm em được;
Người em yêu dấu, em không thể nào,
Phải sống xa anh đến trọn đời.


Xa Cách
Thüringen, Nước Đức hồi Hai - 1978

1.

Vắng Em, anh hút thuốc nhiều,
Vắng Em, anh nghĩ bao điều vẩn vơ;
Đời người được mấy giấc mơ,
Vắng Em, đời tựa bài thơ không vần.

2.

Thông rừng ai nhuộm mà xanh,
Tuyết kia ai trải trắng tinh khắp đồng;
Thiên nhhiên tươi đẹp vô cùng,
Mà sao ta vẫn thấy lòng buồn tênh?

Bâng khuâng một bóng một hình,
Vắng Em, tất cả đều thành hư không!

Nói Với Người Hát Ru
15. tháng Tám 1978.

Buồn cho ta và buồn cho Em,
Buồn cho cuộc sống trớ trêu, hững hờ, tẻ nhạt;
Nỗi chua chát thấm trong câu hát:
’’À ơi, Ba đồng một mớ trầu cay ...’’

Cay hơn lá trầu là chính cuộc đời,
Trầu có thể mua, nhưng tình không thể mượn;
Những gì đã chìm vào tâm tưởng,
Thì trọn đời chẳng thể phai tàn.

Tình-cờ, nhiều khi như nắng tươi tràn,
nhiều khi như gió đông lạnh lẽo;
Tình-cờ, dẫu lẩn trong khôn khéo,
Vẫn trớ trêu, tẻ nhạt, hững hờ.

Là cuộc đời, xin đừng giống tuồng trò,
Là chồng vợ, đừng đồng sàng dị mộng;
Sống, là để cùng nhau hy vọng,
Đừng để hy vọng cuối cùng héo khô trong tẻ nhạt, hững hờ.

’’Một lần chị bước sang ngang ...’’
Ai phá giấc mộng vàng của Em ngày xưa ấy?
Đừng oán trách một người vô tội,
Đừng xéo dày nhau trong sự hững hờ.

Sống với đời là ta sống với ta,
Quá khứ chết không thể nào sống lại;
Hãy biết quý, biết thương hiện tại,
Đừng vùi chôn trong tẻ nhạt, dửng dưng.

Giọt lệ rơi, giọt lệ có dừng?
Nụ cười tắt, nụ cười còn nở?
Câu trả lời ở nơi Em, tất cả.
Hãy nói cho anh, và chính cho Em.

Ngọn đèn còn thức bao đêm?


Đọc  Puskin
(Kỵ Sĩ Đồng, tr. 322)

Một thời khủng khiếp đã qua,
Mà bao kỷ niệm như là mới nguyên;
Chuyện xưa chép lại bên đèn,
Hãy nghe cả những ưu phiền bạn ơi ...


 BẢN THẢO C: "NHI LẬP" và "BẤT HOẶC" 


Lên Ba-Vì
Tháng Hai 1979;
Thời “Bao cấp”, các cơ quan lao động tự túc.

Ba-vì đây, Ba-Vì đây,
Ta nghe tên gọi từ ngày ấu thơ;
Bấy lâu mới có bây giờ,
Gặp nhau cho thỏa đợi chờ ngóng trông  ...

Dẫu chưa phải chốn tận cùng,
Cũng cao đỉnh núi, cũng vòng đường đi;
Cũng con suối chảy rầm rì,
Biếc xanh dòng nước biết về nơi đâu?

Ở cùng nhà máy với nhau,
Mà bây giờ mới lần đầu biết tên;
Từ xa lạ đến thân quen,
Tình ta như ngọn lửa nhen trong lòng.

Giữa mênh mông chốn núi rừng,
Bàn tay ta lật từng vầng đất hoang,
Đất này ngủ đã bao năm,
Dậy đi, làm những cánh đồng xanh tươi!

Cùng nhau đổ giọt mồ hôi,
Cho xanh thắm mãi đất trời Thủ-đô;
Chuyên cần đổi lấy ấm no,
Của ta, tất cả một kho rừng vàng.

Trên con đường lớn thênh thang,
Rồi mai, đây cũng phố phường đông vui;
Điện giăng trên những quả đồi,
Như đua sắc với sao trời lung linh.

Ba-Vì, ước hẹn cùng Em,
Lại về thăm chốn thân quen bây giờ.


Chiếc Áo Mưa
Nhớ Trịnh, CCB;
21. tháng Ba 1979


Chiếc áo mưa dùng lúc trời  mưa,
Che nước mưa thấm vào da thịt;
Chiếc áo mưa dùng khi giá rét,
Ngăn gió đông buốt lạnh tim gan.

Hết mưa rồi, trời tạnh mây tan,
Hết đông rồi, xuân về nắng ấm;
Chiếc áo mưa phủ đầy bụi bậm,
Chiếc áo mưa đi vào lãng quên.

Nhưng rồi gió lạnh lại  lên,
Hết nắng lại mưa, đất trời vần chuyển;
Chiếc áo mưa lại được nhìn ngó đến,
Lại được lau chùi, lại được ngợi ca.

Thủng chút ư? Thì vá lại thôi mà,
Rách một góc? Thì thêm vào một miếng;
Cái giá trị là cái còn cần đến.
Áo mưa là áo mưa  lúc trời mưa.

Rất tầm thường và rất đơn sơ.
Rất vĩ đại và rất là cao cả;
Tất cả là do miệng đời sấp ngửa,
Mình chỉ biết  mình là chiếc-áo-mưa  thôi!


Ra Trận
Sóc-Sơn, Tháng Tư 1979

Tổ Quốc gọi lên đường, tuổi trẻ lại ra đi,
Phá đá, xẻ đồi làm chiến lũy;
Bốn ngàn năm đúc rèn ý chí,
Quyết đánh dập đầu bọn bành trướng hung hăng.

Những người con của đất Thăng Long,
Hăng hái lên đường như Cha, Anh thuở trước;
Như Nguyệt, Sóc Sơn ... từng vùi thây xâm-lược,
Lại cùng ta chờ giết giặc hôm nay.

Gió hãy nổi  lên cho lồng lộng cờ bay,
Cho sáng ngời gương mặt người tuổi trẻ;
Những người yêu Tự-do, không cúi đầu làm nô lệ,
Vượt mọi gian nan, thắng mọi kẻ thù.

Tuổi trẻ anh hùng, tuổi trẻ Thủ-đô,
Mang sức mạnh Thiên-vương Phù-Đổng,
Nguyện xứng với niềm tin Dân tộc,
Dương cao ngọn cờ bách thắng vinh quang.


Nhớ Con
20. tháng Tư 1979

Con yêu, con quý của cha,
Nay con đã lên ba tuổi rồi;
Bên cha, con nói, con cười,
Xa cha, con cứ hỏi hoài: Cha đâu?

Cha đi, mưa nắng dãi dầu,
Vầng trăng vời vợi trên đầu vẫn soi;
Dẫu đi cuối đất cùng trời,
Vẫn thương, vẫn nhớ nụ cười của con.


Lại Nghĩ Về Em
1981, cuối năm.

Thôi mặc những mưu mô,
Thôi mặc những dại khờ,
Anh lại nghĩ về Em, và những điều anh kỳ vọng,
Về làng quê, giản đơn cuộc sống,
Với những cuộc đời trong trắng, hồn nhiên.

Qua những sóng gầm, qua những đảo điên,
Mới  hiểu những cái đằng sau từng khuôn mặt,
Đằng sau từng nụ cười, đằng sau từng câu hát.
Ôi, Mọi hiểm sâu đều vô vị, tầm thường!

Nhầm thua – Đời nhắc đã bao lần,
Cũng là bao lần đời lên tiếng khóc.
Ừ, biết vậy,
Rồi thì cố quên đi cho hết.
Mà dẫu không hết thì ...
Anh lại nghĩ về Em.

Lại nghĩ về Em và quên những ưu phiền,
Quên những dại khờ, mưu mô, đen đỏ,
Quên những nhỏ nhen, tầm thường, vô bổ,
Hướng lên cao để nói với nhau bằng tiếng nói chân tình.



Tết
Kỷ Mùi = Củi Mì

Cái tết năm nay vẫn tết nghèo,
Nồi thì sạch bóng, thớt thì treo;
Pháo nổ râm ran nhà hàng xóm,
Bánh, giò đâu có, sợ chi thiu?

Mà tết vẫn về, xuân vẫn đến,
Sao sáng cho trời ấm nắng theo;
Mậu Ngọ nhà trên thua nhà dưới,
Kỷ Mùi gắng sức chắc hơn nhiều.

Chúc bà xã khỏe, con trai khỏe,
Góp sức xây nhà, xây non sông;
Xã hội phong quang, đời mát mẻ,
Cho tết muôn nhà, tết quanh năm.



Anh và Em
Nhớ Petofi, 1981-82

Anh và Em
đi trên chiếc xe,
Đôi bò kéo
đường dài bước một ...

Mùi cỏ rơm
thơm thơm ngọt ngọt,
Hương đồng quê
thoang thoảng mê say.

Bàn tay ai
để trong bàn tay,
Cặp mắt ai
nhìn vào cặp mắt.

Những vì sao
trên cao lấp lánh,
Như mắt thần tiên
tinh nghịch dõi nhìn.

Anh muốn hái những vì sao xinh
cho Em
cho
Chúng mình, hai đứa...

Đôi bò vẫn đi,
bốn bề
êm ả,
Không gian say,
hơi thở say nồng...

Lắng trong ta như khúc tâm tình,
không phải trời đêm Âu,
không phải làng quê Hung,
không phải thời nào xa lạ.

Tình yêu là hồi môn cho tất cả,
Cho Anh và Em
giữa Trời-Đất
đêm nay ...



Hương Sơn
18 tháng Ba Nhăm Tuất (1982), 14h
Bến Đục

Hương Sơn mỗi bước mỗi chèo,
Hết chèo suối Yến, lại trèo non cao;
Dưới dòng, sóng nước lao xao,
Lên non càng dậy biết bao sóng lòng.

Cho dù bến chẳng khi trong,
Mỗi năm hội đến lại mong được trèo.



Nói Với Trăng
7. tháng Năm 1982, trực đêm

Trăng lại sáng,
giữa trời,
trăng vẫn sáng;
Người yêu ơi
Ta đến
Với em đây.

Đã qua đi
mưa gió
của một ngày;
Đêm yên tĩnh
mênh mông
huyền diệu.

Trăng tỏa ánh vàng
hiền dịu;
Cho ta say đắm đến cồn cào.

Chẳng cần biết mình xa cách là bao,
Chẳng cần biết xưa kia và mai hậu
Muốn nói thêm một lần trái tim nung nấu,
về em,
và chỉ về em.

Có những điều không thể gọi bằng tên,
Mà trường tồn như cuộc sống.
Tình yêu,
Dẫu đầy đắng cay vô vọng,
Vẫn làm say ta, nuôi sống đời ta.

Tình yêu trẻ mãi không già,
Như Trăng: lồng lộng bao la giữa trời;
Và ta muốn nói một lời:
Ta ghen tất cả những người yêu Em.



Cửa Lò
198x, coi thi ở Nghệ An

Lò đâu và cửa ở đâu ?
Đến đây chỉ thấy con tầu buông neo ;
Mênh mang con sóng biển chiều,
Gửi vào bờ cát thật nhiều thân thương.


Cuộc Đời Ta
Tháng Năm 1988

Như tầu liên vận, cuộc-đời-ta,
Có đủ mây trời, có cỏ hoa,
Có ánh quang dương, vầng hàn nguyệt,
Ngọn gió thu về, giọt xuân sa...

Mấy đấng tiên hiền tìm hỏi học,
Đôi gương dị diện ghé nhìn qua;
Lắng tiếng cổ kim bàn thiện-ác,
Nghe giọng đông tây cãi chính-tà.

Ngang trời sừng sững: Nhân như núi,
Tầy biển mênh mang: Trí tựa triều;
Vạn sự như lôi là thế thế,
Bận lòng chi lắm: ghét cùng yêu?


Chiều Nơi Xứ Lạ
Sonnenuntergang auf fremdes Land
Eibenstock, 29 tháng Chạp 1988

Rì rào con suối chảy bên đường,
Tuyết lạnh trời mờ, chiều dần buông;
Gót lạc phong trần nơi xứ lạ,
U hoài, lòng trạnh nhớ quê hương.

Xa lắm rồi ư, những phố xưa:
Hàng sao Lò Đúc, liễu Bờ Hồ,
Tím đẫm bằng-lăng đường qua Vọng,
Đỏ đèn  hoa gạo ngõ Bách Khoa.

Trăng Thanh-Xuân bắc, đèn Nguyễn Trãi,
Xe chiều đôi chuyến mải về đâu?
Kim Mã cuối ngày, hàng vắng khách,
Cuối phố leng keng tiếng chuông tầu...

Tất cả bây giờ xa quá đỗi,
Bây giờ tất cả gợi sầu đau;
Bên đường suối chảy về đâu nhỉ?
Nặng trĩu lòng ta một buổi chiều.




Tình đồng môn
2011-02-25, 12:40
Cảm thức đến tự nhiên

Chữ rằng „nhất tự cách trùng “,
TÌNH riêng mà cũng ở trong LÝ đời;
NGHĨA, NHÂN, TÍN, … đã trao lời,
Ươm mầm là ĐẤT, nảy chồi là XUÂN.




Người nữ Việt
Bùi Tân Phong


Đăng ngày 25/02/2011 lúc 05:14:28 EST, Đề tài: Nhìn Lại Mình

“… Khi cái ác đến từ tay đồng tộc,
Thì nỗi đau càng thêm nặng ngàn cân …”

Lời thưa:
Những giòng sau đây là cảm thức được viết ngay khi sự kiện xảy ra, nhưng cũng là suy tư qua năm tháng. Cảm hứng gần nhất được gợi lên là khi đọc một bài ngắn nhưng có tính tổng hợp về việc “Huỷ vụ án Cù Huy Hà Vũ” trên trang mạng Bauxit Vietnam.
Bài báo dẫn trên nêu một khái niệm quan trọng: “Bất cập”. “Bất cập” là chữ (lịch sự) nói lên sự vụng dại và khiếm khuyết tư duy trí tuệ. Đi theo nó bao giờ cũng là sự “Thái quá”. Vạch ra sự bất cập để xem lại những điều thái quá (như các bài đăng tiếp bên) là sự góp ý chân thành và có trách nhiệm đối với những người chấp chính. Với lòng bao dung truyền thống của dân tộc, chúng ta hy vọng có sự hồi tỉnh để tìm lại con đường chính đính mà cơ hội cho mỗi con người - Tại thời điểm này, cũng là cơ hội cho Đất nước – không có nhiều trong cuộc sống.
Ngoài ra, những giá trị như “công lý, tự do, phẩm giá con người” cũng là những giá trị phổ cập của nhân loại nên bất cứ nơi đâu có sự “bất cập” và “thái quá” thì đều có sự tranh đấu để tái lập một cách công bằng. Điều này không cần thiết bàn nhiều khi xem xét các sự kiện diễn ra. Tuy chỉ viết nhân trường hợp Tiến sĩ Luật học Cù Huy Hà Vũ, người viết đã nghĩ đến truyền thống tranh đấu kiên cường cho quyền sống của bao anh hùng, liệt nữ như Bà Trưng, Bà Triệu và hàng hàng lớp lớp trí thức sĩ phu Việt Nam xưa và nay.
Bùi Tân Phong

Người chiến sĩ đấu tranh cho lý tưởng,
Vợ hiền sau lưng chịu đựng gấp hai lần;
Khi cái ác đến từ tay đồng tộc,
Thì nỗi đau càng thêm nặng ngàn cân.

Nhưng kẻ sĩ không thể nào khác được,
Công lý, tự do, phẩm giá con người…
Không tranh đấu, không một lần giành giữ,
Thì trọn đời như cầm thú mà thôi!

Xin trân trọng tri ân người nữ Việt:
Một lần đau khi sinh nở cho đời;
Một kiếp đau vì nước còn nô lệ,
Bốn ngàn năm trĩu nặng bờ vai.

Bùi Tân Phong



© Thông Luận 2011


Chạy “giặc” – Kỷ niệm thời u tối
Bùi Tân Phong

Chào mừng các trang mạng “tự do ngôn luận” khôi phục
như sức mạnh của chân lý và niềm tin

“… Có tường nào tồn tại với thời gian?
Hỡi những linh hồn cam tâm làm giặc,
chống lại lòng dân là chuốc lấy lụi tàn!…”

Đăng ngày 18/09/2010 lúc 03:18:46 EDT , Đề tài: Chuyện dài quê ta


1
Có một thời giặc giã,
Mẹ bồng ta tản cư;
Con cùng nồi niêu treo hai đầu gánh,
Tất tả đi trong đêm âm u...

Vì lẽ sống, toàn dân đứng dậy,
Gậy tầm vông đánh trả quân thù;
Chín năm trường máu xương, khói lửa,
Cho đoàn quân về “năm cửa ô”! [²]


2

Ngày nay,
Con cháu những người thời gian truân ấy,
Lon trên vai: Cấp bậc với chức quyền;
Được học và ăn tiền dân đóng thuế,
- Dựng “tường lừa” và làm “giặc đen” ! [¹]

Khẩu hiệu vẫn treo mà hồn không còn nữa:
“Độc lập, Tự do”, “Dân chủ Cộng hoà”;
Giữa lòng người, bục công an trấn giữ, [²]
Mác, Lê cùn: “Phải-Trái” - vạch lề ra! [³]

Ôi những “bức tường ô nhục”!
– Có tường nào tồn tại với thời gian?
Hỡi những linh hồn cam tâm làm giặc,
Chống lại lòng dân là chuốc lấy lụi tàn!


3

Một thời “tản cư”, một thời giặc giã,
– Hãy ghi tâm, khắc cốt tối đen này;
Với lương tri, ta thuộc về Ánh Sáng,
Vững niềm tin cùng bước tới Ngày Mai!

Bùi Tân Phong
17/09/2010

[¹] Firewall, Hacker
[²] Theo lời ca Văn Cao, thơ Lê Đạt
[³] Tuyên bố của chính quyền
*   Nhân, tìm theo tên, lại có bài này [2011-02-25, 588 người đọc.]
*   Ảnh minh họa của Thông Luận: “Thời gian”.

© Thông Luận 2010



“Tổ quốc có bao giờ nhục thế này chăng”?
Bùi Tân Phong
Giáo Dục - Xã Hội: “Tổ quốc có bao giờ nhục thế này chăng”? (BùiTân Phong)
Đăng ngày 28/06/2009 lúc 00:00:00 EDT, Đề tài:
Diễn đàn Thế hệ

“… Đồng nghiệp chém lưng nhau sau “lệnh bắt khẩn” của công an;
quan chức khua môi mắng cả ngàn trí thức,
biển bạc rừng vàng, giặc chiếm nghênh ngang!…”

Cảm nghĩ khi theo dõi tin chính quyền VN đàn áp giới luật sư

Hồ sơ Nhân Văn Giai Phẩm còn chưa sưu tầm và công bố hết,
Bắt luật sư bây giờ làm tinh vi hơn!
Văn nghệ sĩ đã khai mào vai trò phản biện,
Nay là thời giới luật gia trẻ tuổi lên đường!

Ôi Đất nước sao còn quằn quại mãi,
Dân tộc điêu linh, Trí thức nát lòng!
Đọc tin mỗi ngày, mỗi ngày nhức nhói,
Càng thấu nỗi đau ngàn năm cha ông:

Chu Văn An (1292–1370) dâng sớ chém 7 tên gian nịnh,
Nguyễn Bỉnh Khiêm (1471–1585) hạch tội 18 lộng thần;
Nguyễn Trường Tộ (1830–1871) mang xuống mồ chương trình cải cách,
Trần Đức Thảo (1917–1993) chết tha hương
                        Văn Cao (1923–1995) úp mặt vào tường…

Trại Trần Cao Khải không cần mở nữa,
Đồng nghiệp chém lưng nhau sau “lệnh bắt khẩn” của công an;
Quan chức khua môi mắng cả ngàn trí thức,
Biển bạc rừng vàng, giặc chiếm nghênh ngang!

Tổ quốc có bao giờ nhục thế này chăng? [*]
Hỡi những con Lạc cháu Hồng,
Hỡi Đất Nước bốn ngàn năm!

Bùi Tân Phong
[*] mượn câu thơ của Bùi Minh Quốc
© Thông Luận 2009

Lời dẫn sau:
Đăng lại, như một tư liệu; Nên có ít dòng kỷ niệm.
Bài viết, như lời dẫn trên, là suy nghĩ khi chính quyền bắt các luật sư cùng việc các đoàn Luật sư xóa tên các đồng nghiệp của mình. Các câu thứ 2 và 3 trong khổ đầu là nhận định của talawas. Có hai trường hợp biên tập là tên Cụ Chu Văn An được chuyển thành „Chu An“ thì không quan trọng vì cả hai cách gọi đều phổ biến. Trường hợp thứ hai có điều lý thú.
Nguyên, tôi chưa được biết bài thơ của nhà thơ Bùi Minh Quốc, dù tôi rất phục thơ ông, từ thuở „Xe chạy nghiêng nghiêng trèo vách núi, …“ (Lên miền Tây“, sách Giáo khoa Phổ thông). Ngay cả khi đọc bài xuất bản, tôi cũng chưa tìm lại và thấy điều mình muốn viết đã được đăng. Sự thực là tôi muốn chế theo một ý của nhà thơ Chế Lan Viên cũng là người tôi khâm phục và từng … học đòi!
Ngay bây giờ thì đã tìm ra các bài của Bùi Minh Quốc theo các trang:
Tiện thể, xem thống kê của Thông Luận thì thấy bài được „2123 lần đọc“ – Cũng không đến nỗi; thế là được! Riêng “Bản đồ Biển Đông 1806” cũng là tài liệu quý, sẽ “điền ảnh” sau.


Làm người Việt Nam
|

Chào mừng Thăng Long Ngàn năm,
Cảm nhận khi đọc “Kiến nghị“ của Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ trên Đàn Chim Việt online

Mỗi con người hãy góp một bàn tay. Ảnh On the net

Mỗi con người hãy góp một bàn tay,
Với trí tuệ và lòng nhiệt huyết;
Hóa giải hận thù hay là chết?
Thăng Long ngàn năm, Nước Việt muôn đời!

Sinh dưới trời Nam, được sống LÀM NGƯỜI,
Phải biết quý máu xương Tiên-Tổ,
Không được quên nỗi nhục nhằn, tủi hổ,
Ngàn năm nô lệ Bắc phương!

Tiền Nhân ta đã sống kiên cường,
Với trí tuệ, và hiên ngang, uy vũ:
Yếu thắng mạnh – bao lần xua giặc dữ,
Bởi biết đồng lòng, bởi biết bọc đùm nhau.

Hơn thú rừng là biết thương đau,
Là không say xả thịt da đồng loại;
Hãy nhắc nhau để cùng nhớ mãi:
Người Việt Nam Nhân hậu, Kiên cường!

Thăng Long ngàn năm, Nước Việt trường tồn,
Hạnh phúc đời ta là làm người dân Việt;
“Hòa hợp nhân tâm, chống họa xâm lăng của kẻ thù truyền kiếp“,
Tiếng Non sông – Tiếng của LÒNG NGƯỜI.

© Bùi Tân Phong
© Đàn Chim Việt
Không có bài liên quan
[Đăng lại ngày 2011-02-22, 16:55; Sửa một chữ "tôi" thành "ta"]



 


Dresden I
Năm 1972, CHDC Đức

Dresden,
Giọt máu năm nào hãy còn hoen,
Trên thành phố cổ,
Những vết đau của thời xa cũ,
Còn vương trên những mái nhà.

Tôi đi hôm nay,
Giữa cuộc đời thơm ngát hương hoa,
Vẫn thấy nhói đau khi nhìn vết đạn;
Tôi đi hôm nay trong lòng bè bạn,
Nghe du dương bản nhạc tình người.
Nhìn những cánh chim câu bay lượn ngang trời,
Tôi nghĩ về đất Mẹ:
Đất nước đã quang mây, trời bừng nắng ấm,
Nhưng lịch sử từng giây vẫn nhắc nhủ mình:
Còn hận thù thì còn có chiến tranh,
Còn đổ máu và còn chia cắt.

Cuộc sống,
Hãy gìn giữ những điều trân quý nhất,
Là Tự do - Nhân phẩm - Hòa bình;
Cho trái đất này mãi mãi tươi xanh,
Cho tiếng hát trẻ thơ không bao giờ ngừng tắt.



Dresden II
1978 - 2001
Thăm Galerie Schwinger, Dresden; Nghĩ về Cái Đẹp.

Ta đến thăm những Thiên-thần của những thuở xa xưa:
Mỗi Thiên-thần đều mang nỗi âu lo trần thế;
Thiên-thần,
Là trí tuệ bao nhiêu thế hệ,
Là máu xương của chính cuộc đời!

Ôi Raffael, Albrecht, Rubbens ...
Người sống tự bao giờ mà sao gần gũi vậy?
Trong ánh bình minh Phục-sinh buổi ấy,
Người đã bay trên đôi cánh Tự Do.

Lịch sử rất gần, dù bao năm tháng đã trôi qua:
Thế kỷ 16, 17 đây,
Và ngoài kia là 18 tháng Hai khói lửa[1];
Ngoài  kia nữa: dưới ánh trời rực rỡ:
Những đôi tình nhân sánh bước bên nhau ...

Vượt qua những chiến tranh, vượt qua những khổ đau,
Cuộc sống vẫn sinh tồn như cỏ cây bám sâu vào đất;
Và trên đó lại hoài thai cái  Đẹp,
Như cây sinh hoa,  kết trái cho đời.

Cái đẹp di truyền trong mỗi bào thai,
Đẹp - là sự hài hòa từ bản chất;
Không có cái Đẹp nào nằm ngoài sự  vật,
Không tình yêu thì đâu có thiên  thần!

-------------------
[1] 18. Tháng Hai 1945, ngày nước Anh  ném bom Dresden

Phần 1: Cuộc đời




Tình Dâm
20 tháng Mười Một 2006, chiều và tối